Sáng 16.11, 3 đoàn Thanh tra chuyên ngành – Bộ NNPTNT và Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSPCTPMT) – Bộ Công an đã tiến hành niêm phong hàng tấn hàng hóa là sản phẩm thức ăn chăn nuôi (TACN) vi phạm pháp luật, chứa chất tạo nạc Sabutamol và chất vàng ô. Những chất này gây tồn dư trong cơ thể, không thể đào thải và có khả năng gây ung thư rất cao.
Hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi kịch độc đã ra thị trường
Tại cơ sở chế biến TACN của Cty TNHH TCN Trường Phú (địa chỉ tại phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương), đoàn thanh tra phát hiện có 3 thùng sắt, trọng lượng ghi trên vỏ mỗi thùng là 30kg hoạt chất Auramine. Trong đó, chủ cơ sở thừa nhận đang sử dụng 46kg, còn 14kg chưa kịp sử dụng hết. Còn 1 thùng rỗng, cơ sở này phủ nhận là “có từ trước, không phải do cơ sở mua về sử dụng”.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Bộ NNPTNT, cứ mỗi 200gr Auramine, sẽ trộn được 1 tấn TACN thành phẩm để bán ra thị trường. Như vậy, với 46kg Auramine, cơ sở này đã đưa ra thị trường 230 tấn thức ăn chứa đầy chất kịch độc.
Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành - Bộ NNPTNT ký
giấy niêm phong các sản phẩm vi phạm. Ảnh: Kh.V
Theo nhẩm tính, mỗi thùng chứa 30kg, 10 thùng chứa 300kg chất vàng ô. Như vậy, đã có 1.500 tấn TACN đầy chất cấm, chất ngoài danh mục cho phép đã được tung ra thị trường, nhồi vào gà, lợn để bán cho người tiêu dùng.Trong khi đang tiến hành niêm phong cơ sở Trường Phú, 1 đoàn thanh tra khác của Bộ NNPTNT còn phát hiện thêm tại khuôn viên của Nhà máy chế biến TACN và Thủy sản Thăng Long (đóng trên địa bàn xã Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có hàng chục thùng rỗng dùng để chứa Auramine. Ngay tức khắc, đoàn công tác lên xe về Hưng Yên. Tại đây, có 11 thùng chứa hoạt chất vàng ô, trong đó có 10 thùng đã dùng hết, 1 thùng còn lại 20kg đang chuẩn bị được đem đi phối trộn TACN.
Hàng chục thùng chứa chất vàng ô, Auramine O đã dùng hết chất đầy
trong kho của Công ty Việt Nhật (Hưng Yên).
Sử dụng thịt vật nuôi chứa chất độc – “đường tắt” ra nghĩa địa
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Anh Đức – Phòng P5 – Cục Cảnh sát PCTPMT cho biết: Thức ăn chứa chất cấm được các cơ sở chăn nuôi nhồi vào gia súc, gia cầm để vỗ cấp tập trong vòng 12-15 ngày trước khi xuất chuồng vào các lò giết mổ. Như vậy, khi ăn thịt các con gia súc, gia cầm này, người tiêu dùng coi như ăn cả chất cấm, vì các chất này không thể đào thải ra ngoài, mà tồn dư trong cơ thể con vật. Nhiều ý kiến còn cho rằng, các chất này, nhất là chất Sabutamol nguy hiểm đến mức, nếu người chăn nuôi cho con vật ăn quá số ngày cho phép, vật nuôi sẽ “lăn ra chết” vì vỡ tim, suy thận vì không thể chịu nổi tác dụng phụ của các loại thuốc này.
Trong khi nghị trường, một đại biểu Quốc hội phải bức xúc thốt lên “đường tắt ra nghĩa địa được xuất phát từ chiếc dạ dày”, thì ngoài kia, hàng chục, hàng trăm, thậm chí còn nhiều hơn, các cơ sở đang ngày đêm sản xuất ra thứ TACN chứa đầy chất kịch độc.
Ông Phạm Tiến Dũng liên tục nhấn mạnh: “Auramine là hoạt chất chỉ dùng trong công nghiệp dệt nhuộm, công nghiệp giấy, cấm dùng trong công nghiệp thực phẩm vì khi được nạp vào cơ thể, chất này không thể đào thải ra ngoài. Tích lũy lâu trong người, tồn dư của chất này có khả năng gây ung thư, gây nhiều loại bệnh khác, hủy hoại giống nòi về gây các biến đổi bất thường về gene”.
Ông Dũng cũng cho rằng, với 82.000 người bị ung thư mỗi năm, thì có tới 50% là từ thực phẩm và môi trường ô nhiễm.
Thế nhưng, điều đau xót là, mặc dù sử dụng chất cấm gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, thế nhưng rất khó có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các “ông chủ” tàn độc này, bởi vì chất cấm trong TACN không gây nên các vụ ngộ độc hàng loạt, không gây nên những cái chết tức thì, nên không có cơ sở để cấu thành tội phạm. Vậy thì, có cách nào để trừng trị những kẻ tội phạm này, khi ngày đêm chúng đang âm thầm đầu độc đồng loại, hủy hoại giống nòi?! Câu hỏi này xin dành cho những nhà làm luật.
Điều đáng nói là trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành niêm phong tang vật, thì tại cửa hàng TACN Trường Phú, một phụ nữ nhỏ thó mặt bịt khẩu trang đe dọa những PV tác nghiệp và cho rằng “Chúng tôi bị bắt vì không may mắn. Nếu cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thì tôi khẳng định rằng hầu như DN sản xuất TACN nào cũng “dính””.