Ngày 20/10, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch huyện Bình Chánh, bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất chà bông của ông Đoàn Văn Thương tại tổ 6, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM. Chủ cơ sở này đã không xuất trình được bất cứ giấy phép nào của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đoàn kiểm tra còn phát hiện đường làm gia vị có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng không có hóa đơn chứng từ…
Tại khu sản xuất, gần 750 kg chà bông thành phẩm đang chờ tiêu thụ bị thu giữ. Ông Thương đã làm đơn xin tự tiêu hủy số thành phẩm này ngay trong ngày.
|
Đường hóa học Trung Quốc được sử dụng làm gia vị tẩm ướp thịt gà. Ảnh: N. Thiên. |
Đáng chú ý là "công nghệ" sản xuất chà bông bẩn ở đây. Khu xưởng hơn trăm m2 cáu bẩn vì mỡ động vật và bột mì bện với nhau lâu ngày. 4-5 công nhân cởi trần, mồ hôi nhễ nhại làm việc. Khoảng 10 lò than liên tục đỏ lửa để luộc thịt gà.
Chủ cơ sở khai, thịt gà được thu mua từ các đầu mối tại lò mổ An Nhơn vào buổi sáng, với giá trung bình 34.000 đồng/kg. Sau khi lọc thịt, tách xương và luộc, thịt được xé cho tơi nát, ướp gia vị và đưa vào chiếc máy trộn. Thịt được máy trộn với bột mì. Sau mỗi mẻ trộn, chà bông đổ ngay xuống sàn xi măng trải một lớp vải bạt cáu bẩn.
Phần da gà được chiên lên để lấy mỡ. Da gà sau khi chiên thành tóp được bỏ vào một chiếc bao tải lớn, ruồi nhặng bu kín. Theo những người làm công, tóp mỡ, mỡ gà… đề được tận dụng tối đa.
|
Khu sản xuất mất vệ sinh. Ảnh: N. Thiên. |
Chủ xưởng Đoàn Văn Thương quê Ninh Bình, cho biết, xưởng hoạt động vài tháng nay, mỗi ngày sản xuất chà bông từ khoảng 200 kg thịt gà. Ông Thương thú nhận, do là sản phẩm giá rẻ nên phải tiết giảm chi phí một cách tối đa. Trong quá trình làm chà bông sẽ trộn càng nhiều bột mì càng tốt.
Chủ cơ sở này còn tính toán, nếu dùng đường, bột ngọt hay hạt nêm sẽ đội chi phí nên ông dùng đường hóa học Trung Quốc để thay thế. Loại đường này có tên Sodium Cyclamate, giúp tạo ngọt nhanh dù chỉ cần một lượng nhỏ. Đoàn thanh tra phát hiện hơn chục túi đường hóa học tại xưởng, mỗi túi nặng 1 kg đang được sử dụng dở.
Ông Thương còn cho biết, ông và công nhân phải làm riêng vài kg chà bông để ăn chứ không ăn loại bán ra ngoài. Lý do, chà bông bán ra ngoài bẩn, pha trộn nhiều.
|
Chà bông thành phẩm được phơi trên tấm bạt cáu bẩn, dưới nền nhà mất vệ sinh. Ảnh:N. Thiên. |
Cũng theo lời ông Thương, mỗi ngày có hàng trăm kg chà bông được ông bán sỉ và lẻ ra thị trường TP HCM, với giá 45.000-70.000 đồng/kg tùy loại và tùy yêu cầu của khách hàng, và cũng tùy theo mức độ bột mì được độn nhiều hay ít.
Theo tìm hiểu, loại đường hoá học mà cơ sở này cho vào chà bông là Cyclamate, một loại chất tạo ngọt tổng hợp có vị ngọt cao hơn đường từ 30 đến 50 lần. Cyclamate cũng được kết hợp với các chất tạo ngọt khác, đặc biệt là saccharin, nhằm làm tăng tính ngon miệng.
Việc sử dụng cyclamate kết hợp với saccharin làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang ở động vật trong phòng thí nghiệm. Vi khuẩn trong ruột có thể chuyển hóa cyclamate thành cyclohexamine, một chất gây ung thư.
news.zing