Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà đã được Hà Nội và Hải Dương lên kế hoạch trong đó ngoài các chợ truyền thống, kênh phân phối bán hàng hiện đại như siêu thị, các cửa hàng tiện lợi năm nay sẽ có các điểm bán lưu động trên toàn thành phố.
Theo ông Thăng, đội quản lý thị trường sẽ cung cấp xe chở vải vào vị trí chứng nhận được phép bán hàng tại các quận, huyện, uỷ ban xã phường đã thống nhất.
Theo đó, đề nghị Sở Công Thương Hải Dương cung cấp đầy đủ danh sách các doanh nghiệp hộ kinh doanh, kể cả phương tiện, biển số xe… của tỉnh về tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội để Sở Công Thương Hà Nội thông báo cho các đơn vị có liên quan biết.
“Xe đúng cứ chuyển lên, chưa có thông tin nhắn tin sẽ nhắn tin sau và chúng tôi thống nhất quận, huyện vì lực lượng quản lý thị trường không được phép nhưng cao điểm sẽ được cho phép quản lý thị trường làm việc với xã phường đưa các ô tô vào vì vị trí kinh doanh đã được cung cấp sẵn nên họ sẽ là khâu nối trong quá trình thông tin”, ông Thăng nói.
Đại diện các siêu thị cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho vải thiều được có mặt trong các kệ hàng, có chất lượng và giá bán phù hợp nhất.
Được biết, thời gian vừa qua Hà Nội đã hỗ trợ tiêu thụ được trên 200 tấn dưa hấu cho Quảng Nam và 105 tấn hành tìm, hiện đang tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nốt 25 tấn cho Sóc Trăng.
Có mặt tại hội nghị, đại diện các siêu thị như Sài Gòn Co.op, Hpro, Big C Thăng Long, Fivimart… cũng cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho vải thiều được có mặt trong các kệ hàng, có chất lượng và giá bán phù hợp nhất.
Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Điểm bất cập hiện nay là giá bán không đồng nhất tại vườn lúc bán 7.000 đồng/kg, lúc 10.000 đồng/kg, lúc là 15.000 đồng/kg. Do đó siêu thị không thể chủ động ra giá với các đơn đặt hàng của các khách hàng lớn ký tại Hà Nội.
Đại diện Sài Gòn Co.op cũng cho biết, kế hoạch tiêu thụ vải thiều năm nay tại hệ thống siêu thị có thể lên đến 1.000 tấn, cam kết kết nối với Hợp tác xã, công ty đưa vào thu mua tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Hải Dương vào hệ thống siêu thị.
Ông Nguyễn Thế Dũng Phó giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cũng cho biết, sẽ hỗ trợ đưa vải thiều sang hệ thống công ty mẹ của Big C tại Pháp.
Đồng thời, ông Dũng cũng kiến nghị cần tăng cường quảng bá sản phẩm và tạo dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm tại thị trường trong nước và nước ngoài.
Có thực tế hiện nay là vải từ cửa hàng đến đường phố tràn ngập, người dùng không phân biệt được vải Thanh Hà, Chí Linh hay các sản phẩm khác nên cần đầu tư, đóng ba bì, in tem nhãn để người dùng nhận diện.
“Giá bán cao hơn nhưng người tiêu dùng sẽ chấp nhận vì người tiêu dùng biết được nguồn gốc, xuất xứ của quả vải”, ông Dũng nói.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc CTCP Nhất Nam cũng đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần hướng dẫn nông dân để có hồ sơ chứng nhận cho sản phẩm đưa ra thị trường trong kênh bán lẻ hiện đại khi muốn cắt giảm chi phí trung gian.
Hiện nay đến từng hộ dân sẽ mắc trong khâu thủ tục giấy tờ, pháp lý cho doanh nghiệp, giấy chứng nhận cho sản phẩm.
Vùng vải thiều Hải Dương rộng 11.000 ha, tập trung trồng nhiều ở huyện Thanh Hà và vùng đồi Chí Linh, sản lượng quả đạt 50.000 tấn năm. Trong những năm qua, vải thiều Hải Dương chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra, một lượng nhỏ xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Autralia…Riêng thị trường Hà Nội được tiêu thụ qua các kênh chợ đầu mối hoa quả và siêu thị. Trong đó chợ đầu mối hoa quả Long Biên và Đền Lừ là nơi phát luồng tới các chợ trên địa bàn các quận, huyện, thị xã trong thành phố. Trong các niên vụ vải trước, lượng vải lưu chuyển, tiêu thụ tại chợ Đền Lừ là 200 tấn trong đó vải Thanh Hà chiếm 60 tấn, chợ Long Biên lưu chuyển, tiêu thụ 420 tấn trong đó vải Thanh Hà chiếm 126 tấn. Ngoài ra còn hệ thống siêu thị Metro, Co.op mart, Fivimart… cũng tiêu thụ số lượng không nhỏ vải Thanh Hà.
Ngoài việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Hải Dương, Sở Công thương Hà Nội cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, các chợ trên địa bàn thành phố hỗ trợ người dân tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Ngoài thị trường Mỹ, sắp tới các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ xúc tiến đưa trái vải vào thị trường Australia. (Ảnh minh họa).
Sắp có nhà máy đóng gói vải thiều đạt chuẩn đi Mỹ
Ngày 9-6 tới, Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục bảo vệ thực vật) sẽ cùng với kiểm dịch viên của phía Mỹ đến Hải Dương để kiểm tra và cấp mã số nhà máy đóng gói vải thiều đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ.
Đây sẽ là nhà máy đầu tiên ở miền Bắc chuyên về đóng gói đạt chuẩn của Mỹ, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 cho biết. Nhà máy đóng gói vải thiều tại Hải Dương này do Công ty TNHH Rồng Đỏ có trụ sở ở TPHCM xúc tiến đầu tư và xây dựng.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc xuất khẩu Công ty TNHH Rồng Đỏ, cho biết trong trường hợp nhà máy đáp ứng và được cấp mã số đóng gói, thì vải sau khi thu hoạch xong sẽ được đóng gói ngay tại nhà máy sau đó vận chuyển vào TPHCM và chiếu xạ trước khi xuất khẩu bằng đường hàng không sang Mỹ.
“Nếu đóng gói ngay tại Hải Dương, trái vải sẽ bảo đảm được độ tươi ngon hơn so với việc thu hoạch rồi vận chuyển vào TPHCM đóng gói,” ông Thìn nói.
Cũng theo ông Thìn, dự kiến ngày 10-6 tới, đơn vị của ông sẽ xuất khẩu 3 tấn vải tươi sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không, nhưng ông không tiết lộ về giá bán của lô hàng này.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, ông Nguyễn Hữu Đạt cho biết thêm lô vải đầu tiên với khối lượng 1 tấn đi Mỹ do công ty Ánh Dương Sao (TPHCM) xuất khẩu đã nhận được thông tin phản hồi rất tốt từ thị trường.
Được biết, ngoài thị trường Mỹ, sắp tới các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ xúc tiến đưa trái vải vào thị trường Australia.
Còn theo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sản lượng vải năm nay của riêng hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương dự kiến đạt trên 200.000 tấn, trong đó lượng tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 60% và số còn lại sẽ xuất khẩu.’
Theo ĐSPL