Chủ cửa hàng chuyên cung cấp dừa sáp ở quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết, bắt đầu kinh doanh sản phẩm này hơn một năm nay, nhưng nhiều lúc không có hàng để bán.
“Nhất là các dịp cuối tuần và lễ Tết lượng khách đặt sản phẩm này tăng cao, nhiều lúc thúc giục thương lái gom hàng nhưng cung vẫn không đủ cầu. Hiện mỗi ngày tôi bán khoảng 5-7 quả với giá 220.000 đồng một trái”, chủ cửa hàng này cho biết.
|
Dừa sáp cùi dày gấp đôi so với dừa thường. Ảnh: DS.
|
Cũng bán loại quả này khá chạy, anh Long ở Đồng Nai cho hay, thông thường mỗi ngày anh bán được khoảng 5 trái, có hôm bán chạy thì 10-12 trái. Nhiều lúc muốn bán với số lượng lớn hơn nhưng không đủ hàng.
“Dừa sáp được tôi đặt mua ở các vựa trái cây của tỉnh Trà Vinh, còn thương lái phải đi thu gom tận các nhà vườn mới có sản phẩm để bán. Mỗi cây dừa sáp chỉ cho số lượng 4-6 trái nên không phải lúc nào cũng có hàng cung ứng. Cho nên vào thời điểm lễ, Tết loại đặc sản này có giá lên tới 250.000 đồng một trái”, anh Long nói.
Là đơn vị cung cấp số lượng lớn dừa sáp, bà Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Fruit Vietnam cho biết, doanh nghiệp đang hết hàng để cung ứng vì số lượng hạn chế.
“Mỗi tháng chúng tôi cũng chỉ cung cấp cho thị trường TP HCM được khoảng 100-200 trái dừa sáp, với giá 200.000 đồng. Còn vào thời điểm Tết, lượng khách đặt mua làm quà biếu thì không đủ cung ứng”, bà Thảo chia sẻ.
Theo đánh giá của giới kinh doanh dừa sáp, nguyên nhân khiến giá sản phẩm này cao gấp 30 lần so với dừa thông thường là vì mặt hàng này khó trồng, số lượng cung ứng ra thị trường ít và không phải khu vực nào cũng trồng được. Hiện chỉ có Bến Tre và Cầu Kè (Trà Vinh) có loại dừa này, nhưng số lượng rất nhỏ. Trong đó, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè có gần 17.000 cây, nhưng chỉ khoảng 40% đã cho trái, mỗi trái nặng từ 800gr đến 1,5kg.
Người trồng dừa sáp cho biết, loại dừa này chỉ cho tỷ lệ trái sáp cao khi trồng trên vùng đất huyện Cầu Kè. Ngoài ra, trái dừa sáp không tự lên mầm, phát triển thành cây dừa sáp giống mà nông dân phải ươm giống từ trái dừa không sáp trên cây dừa sáp. Thông thường, mỗi cây dừa sáp chỉ cho khoảng 30-40% trái là có sáp.
|
Mỗi cây dừa sáp chỉ cho tỷ lệ trái có sáp 30-40%.
|
Do vậy, theo kinh nghiệm của người bán, để tránh mua phải sản phẩm dỏm, người tiêu dùng không nên mua dừa sáp dọc đường hoặc ở những điểm bán dừa không ghi rõ tên và điện thoại của cơ sở cung cấp trên vỏ trái dừa.
Về quá trình sử dụng, dừa sáp phải được bảo quản ở nơi thoáng mát, không quá 30 ngày tính từ ngày hái. Trong thời gian này, quả dừa sáp bổ ra sẽ thấy lượng nước dừa bên trong rất ít và sền sệt như kẹo. Phần cơm dừa dày, dẻo và thơm ngon.
Bên cạnh sản phẩm dừa sáp có giá đắt đỏ thì hiện nay giá bán giống cây này cũng khá cao. Theo ông Thạch Pu Mi, nông dân tại Trà Vinh, dừa sáp giống được bán với giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng một cây.
Trong những năm qua, do không được chăm sóc đúng kỹ thuật cũng như cách nhân giống, nên loại dừa này bị thoái hóa, tỷ lệ sáp thấp và có nguy cơ bị xóa sổ. Trước thực trạng này, mới đây, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã thực hiện thử nghiệm thành công nhân giống dừa sáp bằng biện pháp “phôi giống”. Đó là, sử dụng phôi của dừa đặc ruột để nhân giống, hiện đã đưa về trồng thử nghiệm ở địa phương. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho giống dừa hiếm này phát triển, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã thực hiện một dự án khôi phục dừa sáp ở địa phương trên diện tích 6ha và mới đây Sở Khoa học và công nghệ Trà Vinh cũng đã thực hiện trồng 50ha dừa sáp ở 3 ấp: Chông Nô I, Chông Nô II và Chông Nô III ở xã Hòa Tân. Hiện dự án đã triển khai cho nông dân trồng được 15 ha.
“Để đảm bảo chất lượng dừa giống cho các hộ nông dân, địa phương đã giao cho tôi thực hiện nhân giống thông qua chuyển giao kỹ thuật của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, đến nay tôi đã chuyển giao cho nông dân trồng được trên 3.400 cây dừa sáp”, ông Thạch Pu Mi nói và cho biết thêm, muốn ươm giống dừa sáp đạt hiệu quả, trước hết phải chọn giống tốt là trái không sáp trong buồng dừa sáp, sau đó vạt đầu quả dừa, rồi để vào trong một bao có đựng phân chuồng, tạo độ ẩm khoảng 2 tháng thì dừa sẽ đâm chồi. Khi cây phát triển mạnh thì đem trồng.
Theo vnexpress.