"Cục Bảo vệ thực vật phải làm rõ hóa chất có hay không trong quả nhập khẩu và vì sao lê để 5 tháng, táo 9 tháng vẫn không hỏng. Trong tháng 10, Cục phải thông tin cho người dân và công luận biết rõ ràng và minh bạch", ông Cao Đức Phát yêu cầu tại buổi giao ban công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm diễn ra ngày 25/9.
Bên cạnh hóa chất bảo quản, theo Bộ trưởng Phát vấn đề người dân bức xúc nhất hiện nay là rau quả bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy ông yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật sớm hoàn thiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trong đó tập trung vào lúa, rau, trái cây, chè… trong tháng 9 để trình Chính phủ vào tháng 10 làm cơ sở triển khai trên diện rộng.
Về vấn đề này, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Cục đang soạn thảo thông tư nhằm siết chặt công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật; soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Cục đã giao cho các chi cục địa phương xây dựng phương án để có kho chứa hoặc sử dụng kho của doanh nghiệp trong việc lưu trữ thuốc bảo vệ thực vật giả và có phương án xử lý tiêu hủy.
Trước thông tin 43% mẫu thịt có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép ở TP HCM, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, xảy ra tình trạng này có thể do người dân đã tự ý trộn thêm vào thức ăn trong quá trình chăn nuôi. "Trong tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ không có loại này, chứng tỏ người dân đã sử dụng trong quá trình chăn nuôi, chứ không phải được trộn trong thức ăn chăn nuôi", ông Dương nhận định.
Để ngăn chặn và kiểm soát việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả cũng như chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì xây dựng đề án chuỗi cung ứng rau an toàn; Cục Thú y xây dựng chuỗi cung ứng thịt cho Hà Nội và TP HCM.
"Việt Nam có 30 triệu cư dân đô thị thì Hà Nội và TP HCM chiếm hơn một nửa. Vì thế, nếu tập trung giải quyết vấn đề ở hai thành phố này tức là chúng ta đã giải quyết được nửa vấn đề", Bộ trưởng nói.