Chiến dịch Về đi Vàng ơi lần này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với hy vọng sẽ thu thập được 1 triệu chữ kí trình cơ quan chức năng, kêu gọi việc ban hành quy định về Phúc lợi động vật, để bảo vệ các loài động vật, nhất là loài chó khỏi nguy cơ bị bắt trộm, hành hạ và giết thịt dã man.
Việt Nam chưa ban hành các quy định pháp luật về việc bảo vệ các loài động vật nuôi vì lý do nhân đạo, bởi vậy chưa có trường hợp hành hạ, sát hại dã man động vật nuôi nói chung và chó mèo nói riêng bị xử lý. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã có những quy định chặt chẽ nhằm trừng phạt các hành vi ngược đãi, hành hạ chó mèo và các loài động vật khác.
Cận cảnh một lò giết mổ chó ở Indonesia
Hàn Quốc
Ở quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam là Hàn Quốc, trong giai đoạn từ năm 1975-1978, loài chó được coi là một loài động vật để giết thịt, tuy nhiên quy định pháp lý này sau đó đã vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận, và chính phủ Hàn Quốc đã có những bước đi quyết liệt để bảo vệ chó mèo.
Luật pháp hiện nay của Hàn Quốc quy định hành vi buôn bán, giết mổ thịt chó là bất hợp pháp. Luật Bảo vệ Động vật năm 2007 của Hàn Quốc nhấn mạnh: “Hành vi giết hại động vật tàn bạo như treo cổ, hoặc giết thịt nơi công cộng, trước mặt các đồng loại của con vật đều bị nghiêm cấm”.
Tuy nhiên, đạo luật này hiếm khi được thực hiện ở Hàn Quốc, tạo ra những “vùng xám” để một số người dân vẫn tiếp tục ăn thịt chó. Các tổ chức bảo vệ động vật Hàn Quốc đang nỗ lực vận động để cấm hoàn toàn việc ăn thịt chó ở nước này, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa ngã ngũ.
Các nhà hoạt động Hàn Quốc phản đối việc ăn thịt chó
Hồi tháng Hai vừa qua, cảnh sát thành phố Naju, Hàn Quốc đã bắt giữ một công dân Indonesia tên là B sau khi anh này tung những bức ảnh giết thịt một con chó lên mạng xã hội.
Vụ việc xảy ra hồi giữa tháng Hai tại khu công nghiệp làng Dongsu ở thành phố Naju, nơi B và một đồng hương của mình cùng nhau thịt một con chó bằng cách treo nó lên cây và dùng đèn khò để thui lông nó.
Vài ngày sau, B đăng những bức ảnh chụp cảnh anh ta làm thịt chú chó này lên mạng, và ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận. Trước sự tức giận của người dân Hàn Quốc, B vội vàng xin nghỉ việc để gói ghém hành lý về nước, và anh ta bị cảnh sát bắt giữ ngay trước khi kịp ra sân bay.
Hình ảnh giết chó dã man được B tung lên mạng
Theo Luật Bảo vệ Động vật Hàn Quốc, mức chế tài tối đa đối với hành vi giết hại dã man động vật của B là 1 năm tù và số tiền phạt 9.100 USD, ngoài ra, anh ta còn bị phạt thêm 2.730 USD với hành vi đăng ảnh hành hạ dã man động vật lên internet.
Úc
Còn tại Úc, mặc dù nước này không có một đạo luật bảo vệ động vật áp dụng chung trên toàn quốc, song các bang đều có những quy định riêng để đảm bảo quyền được đối xử nhân đạo của các loài động vật nói chung và chó mèo nói riêng, và nhiều người đã ví von rằng ở Úc, chó mèo còn được ưu tiên hơn đàn ông và chỉ đứng sau phụ nữ.
Loài chó được bảo vệ rất chu đáo ở Úc
Mỗi bang của Úc lại có những chế tài riêng để trừng phạt các hành vi đối xử bất công, tàn nhẫn, phi nhân đạo đối với động vật, tuy nhiên tất cả đều có điểm chung là án tù và tiền phạt. Mức án tù tối đa đối với những hành vi đối xử tàn nhẫn với động vật có thể lên tới 5 năm (như ở bang New South Wales và bang Tây Úc), còn mức phạt tiền có thể lên tới 100.000 đô-la Úc đối với cá nhân và 500.000 đôla đối với tập thể (như ở bang Queensland).
Anh
Nước Anh cũng có những quy định rất cụ thể để bảo vệ các loài động vật nuôi và chó mèo nói riêng. Những hành vi giết thịt, hành hạ dã man chó mèo đều bị nghiêm cấm và bị trừng phạt rất nặng.
Hồi tháng 8.2013, một người nuôi chó ở Barrhead, Anh đã phải ngồi tù tới 6 tháng vì tội hành hạ, đánh đập dã man con chó nuôi của mình.
Báo chí Anh cho hay Sam Andrews đã dùng một sợi dây xích đánh nhiều lần vào chú chó Scooby của mình, sau đó còn đá và giẫm lên lưng nó một cách tàn bạo. Anh ta còn dùng một chiếc bật lửa dí vào tai chú chó tội nghiệp đang vô cùng hoảng sợ này.
Sam Andrews phải ngồi tù vì hành hạ chú chó của mình
Ngay sau đó, cảnh sát đã có mặt và bắt giữ Andrews với tội danh ngược đãi động vật. Ra tòa, Andrews đã phải nhận mức án tù 6 tháng và bị cấm nuôi chó trong vòng 10 năm. Một điều tra viên đã bình luận về mức án này: “Nó gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng những tội ác như thế này sẽ không được dung thứ. Đây là một vụ tấn công đầy ghê tởm trước một con chó không có khả năng tự vệ”.
Mỹ
Còn tại Mỹ, các bang của nước này cũng đề ra những quy định chặt chẽ để bảo vệ chó mèo trước nguy cơ bị tấn công, ngược đãi, hành hạ và giết mổ dã man.
Hồi tháng 6.2013, cảnh sát quận Tampa bang Florida, Mỹ đã truy tố một thanh niên 25 tuổi về tội bóp cổ đến chết một chú chó con nuôi trong nhà, chặt nó thành từng khúc và nấu phần sườn của con chó trên lò.
Theo đó nghi phạm Thomas Elliot Huggins, đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi bị chính các thành viên trong gia đình tố cáo hành vi giết chó để ăn thịt của mình. Khi cảnh sát tới nơi, họ phát hiện thấy một nồi sườn chó ở trên bếp lò, còn đầu của chú chó thì bị ném vào thùng rác. Huggins bị lập tức bắt giữ vì có hành vi tàn ác với thú vật.
Thomas Elliot Huggins bị chính người nhà tố cáo hành vi giết chó để ăn thịt
Thông tin này đã khiến dư luận Mỹ dấy lên những luồng thông tin trái chiều về việc sử dụng thịt chó, đặc biệt là chó nuôi trong gia đình, làm thực phẩm. Nhiều người đã bày tỏ ý kiến phẫn nộ với hành vi của Huggins và gọi đây là một hành động “máu lạnh và kinh tởm”. Một số người cho rằng không nên ăn thịt chó vì chó là loài động vật thông minh có cảm xúc và chúng biết phản ứng mỗi khi được gọi tên.
Tuy nhiên cũng có một bộ phận người dân Mỹ coi việc ăn thịt chó là bình thường, cũng như việc người ta vẫn thường sử dụng các loại thịt khác trong mỗi bữa ăn. Những người này lập luận rằng nhiều nơi trên khắp thế giới vẫn ăn thịt chó, thế nên dư luận không nên phán xét hành động ăn thịt chó của Huggins.
Theo Dân Việt