Chứng khó học hay còn gọi là rối loạn chuyên biệt trong học tập là những khó khăn kéo dài trong quá trình học của trẻ. Trẻ mắc chứng khó học thường có thành tích học tập rất thấp và kéo dài trong nhiều năm. Rất khó để cha mẹ nhận ra trẻ mắc chứng này. Chính vì vậy, nhiều bậc cha mẹ khi thấy con mình chậm hơn những đứa trẻ khác trong học tập thường cho rằng trẻ “dốt” .
Giải thích về vấn đề này tiến sĩ (TS) Huỳnh Mai Trang (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, chứng khó học là một dạng khuyết tật bẩm sinh “không nhìn thấy”, làm ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ và chỉ ảnh hưởng đến khả năng học tập. Do “không nhìn thấy” nên vô tình các bậc cha mẹ thường cho là trẻ lười biếng, nhút nhát, quậy quá, nặng hơn nữa là dốt. Cần biết rằng, trẻ mắc chứng này vẫn sinh hoạt và giao tiếp bình thường. Thậm chí có trẻ còn thông minh, nhanh nhẹn hơn so với trẻ cùng tuổi trong các hoạt động khác nhưng kết quả học tập thì luôn luôn thấp.
Trẻ mắc chứng khó học khi bước vào trường thường trở nên kém cỏi lạ thường so với các bạn. Trẻ không có khả năng học tập mặc dù trí tuệ bình thường, không bị tổn thương não hay khiếm khuyết về giác quan, cũng không phải do rối nhiễu tâm lý hay môi trường giáo dục không thuận lợi. TS Huỳnh Mai Trang nhận định, đối với những trẻ này, nếu không được can thiệp, giúp đỡ sẽ bị thiếu hụt kỹ năng học tập trầm trọng. Trẻ không thể tiếp nhận và xử lý thông tin, hậu quả tất yếu là trẻ trở nên chán học, thậm chí còn gây rối trong giờ học.
Hai mẹ con chị Thùy Trang (áo trắng) trò chuyện với TS Huỳnh Mai Trang
Gia đình là điểm tựa
Chứng khó học thường có ba dạng: khó đọc, khó viết và khó tính toán. Trẻ mắc chứng khó đọc thường đọc sai, bỏ qua một vài ký tự hoặc không phát ra một âm nào đó. Trẻ luôn đối phó bằng cách học thuộc lòng hoặc đoán từ dựa vào ngữ cảnh. Các nghiên cứu phương Tây cũng chỉ ra tỷ lệ mắc phải rối loạn này từ 3-8%, trong đó bé trai gấp hai đến năm lần so với bé gái.
Trẻ mắc chứng khó viết thường cầm bút quá chặt hoặc quá lỏng, chữ viết không đều, lúc đậm lúc nhạt, lẫn lộn trái phải khi viết. Trẻ thường gồng mình lên và không có sự uyển chuyển nhẹ nhàng của cánh tay khi viết.
Trẻ mắc chứng khó tính toán sẽ không biết thiết lập tương quan 1:1, tức là khi nhìn một vật nào đó để đếm, nhịp điệu của tay và miệng đếm không đều nhau hoặc khi tính một bài toán cộng, trừ bình thường, bé không tính nhẩm được trong đầu mà phải dùng ngón tay hoặc que để tính.
Giai đoạn trẻ chuẩn bị vào lớp 1 là giai đoạn cha mẹ có thể phát hiện nguy cơ này ở trẻ, vì lúc này trẻ được làm quen với chữ viết. Tuy nhiên, chỉ có thể kết luận về rối loạn này dựa vào thành tích học tập của trẻ bằng những trắc nghiệm đã chuẩn hóa, cộng với việc loại trừ các dấu hiệu như trí tuệ bình thường, giác quan không bị khiếm khuyết, não không bị tổn thương, cảm xúc ổn định, môi trường giáo dục thuận lợi.
Việc can thiệp cho trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cha mẹ, giáo viên, chuyên gia tâm lý. Trong đó cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Cha mẹ phải dành nhiều thời gian luyện tập cho trẻ theo phác đồ của các chuyên gia, luôn theo dõi sát và động viên tinh thần cho trẻ.
Trẻ mắc chứng khó học có xu hướng che giấu khuyết điểm của mình và tự cô lập mình khi ở trường. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ không chấp nhận con mình mắc chứng khó học mà đỗ lỗi cho cách giảng dạy của giáo viên, hoặc cả thầy cô và cha mẹ đều cho rằng trẻ lười học. Điều này dẫn đến những “oan ức” cho trẻ khi phải chịu cảnh ở lại lớp hoặc bị mang tiếng “ngồi nhầm lớp”. Thậm chí, nhiều trẻ đành phải vào trường dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ.
Chính vì vậy, TS Huỳnh Mai Trang khuyến cáo, khi nghi ngờ trẻ có nguy cơ mắc chứng khó học, gia đình nên đưa trẻ đi khám ngay để được thẩm định và can thiệp kịp thời, giúp trẻ hòa nhập bạn bè trường lớp.
Chị Thùy Trang, mẹ của bé N.Đ.K. (mười tuổi, ngụ Long Thành, Đồng Nai) kể, năm bé vào lớp 1, bé không cầm được bút, càng tập bé càng viết nguệch ngoạc, lộn xộn. Ngoài ra, bé còn không tính nhẩm được dù với những con số nhỏ nhất. Sắp vào lớp 5 nhưng khi hỏi “hai cộng hai bằng mấy?”, bé vẫn lấy ngón tay ra tính. Mặc dù suốt bốn năm qua chị vẫn luyện tập cho bé mỗi ngày nhưng vẫn không có kết quả. Trong khi đó, ở các hoạt động khác thì bé rất năng động và tự tin. Chính vì vậy, gia đình không hề nghĩ bé bị bệnh.
Lo lắng, chị đưa bé đi khám, sau thời gian theo dõi mới biết bé mắc chứng khó học và trước đó gia đình đã luyện tập sai phương pháp, dẫn đến tình trạng bé chán học.
|