1. Tìm mọi cách ngăn chặn mọi điều nguy hiểm
Mỗi lần nghe chuyện cho con đi chơi xa cùng với lớp là hầu hết các bà mẹ trẻ đều kêu lên: Đi biển ư? Lỡ chết đuối? Đi rừng ư? Té thì sao. Thậm chí những cuộc cắm trại qua đêm ở ngay sân trường cũng không mấy người hồ hởi cho phép con mình tham gia. Họ sợ nước, họ sợ phương tiện xe cộ không an toàn, sợ con bị bạn bè ăn hiếp... Họ nêu cao khẩu hiệu: “An toàn là trên hết”. Họ bao bọc con mình trong sự chăm sóc, bảo vệ kỹ lưỡng. Thế nhưng họ không biết rằng khi một đứa trẻ không bị ngã, bị trầy đầu gối hay phải đối mặt với sự bắt nạt, ăn hiếp của bạn bè, nó sẽ bị ám ảnh bởi những sợ hãi. Trẻ con cũng cần phải vấp té để biết rằng điều đó là hết sức bình thường, có thể đứng dậy, suýt xoa một chút rồi sẽ qua. Những đứa trẻ được bao bọc quá kỹ lớn lên sẽ vô cùng kiêu ngạo nhưng lại không tự tin vào chính mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
2. Luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng
Những đứa trẻ hôm nay thường được gọi đùa là “gà công nghiệp”.Vì chúng lộc ngộc, lơ ngơ, chẳng biết làm gì ngoài học và sử dụng vi tính. Sự bao bọc của người lớn khiến con trẻ mất đi nhiều kỹ năng sống. Bất cứ bà mẹ ông bố nào cũng sẵn sàng lao tới giúp đỡ con khi chúng gặp khó khăn chứ không để cho chúng tìm ra cách vượt qua những khó khăn đó một mình. Cuối cùng là trẻ sẽ quen rằng sẽ luôn có bố mẹ giúp, từ bài tập thủ công cho đến chuyện tìm ra con đường vào đời. Những đứa trẻ “hạnh phúc” đó sẽ mất đi đi khả năng trưởng thành.
3. Luôn khen ngợi chúng một cách quá nồng nhiệt
Các nhà tâm lý thường khuyên rằng: Hãy khen ngợi con trẻ! Điều đó không sai. Thế nhưng khi đứa trẻ dễ dàng nhận được lời khen từ bố mẹ, chúng sẽ cảm thấy mình là một người vô cùng đặc biệt. Cuộc sống vốn khắc nghiệt, trưởng thành thêm một chút, trẻ sẽ nhận ra rằng chỉ có bố và mẹ thấy chúng tuyệt vời. Chúng thích được khen nhưng cũng hiểu rằng điều đó không đúng lắm và chúng bắt đầu học được cách ăn gian, phóng đại, nói dối để không lộ ra bản chất thật của mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
4. Lầm lẫn giữa việc nói “không” và “có” với trẻ
Bé của bạn sẽ còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì thế hãy nói “không” với trẻ, để chúng học đươc cách phấn đấu vì điều mình mong muốn và nhu cầu của chính mình. Trong các gia đình có từ hai con trở lên, cha mẹ thường cảm thấy bối rối khi chỉ có một đứa trẻ đáng được khen thưởng còn đứa kia thì không có gì. Nhưng bạn vẫn cần phải làm thế để trẻ hiểu được rằng thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng và vào những hành động tốt đẹp của mỗi người.
5. Không chia sẻ với trẻ kinh nghiệm từ những sai lầm của mình
Nếu chỉ nghe những lời giáo huấn và chỉ dạy, con bạn sẽ cảm thấy rằng hình như bố mẹ chúng chưa bao giờ mắc sai lầm nào trong cuộc đời. Hãy kể cho con bạn nghe cả những sai lầm của bạn trong thời tuổi trẻ, những gì bạn cảm thấy, những gì khiến bạn hành động như vậy, những bài học bạn rút ra từ đó. Trẻ sẽ được chuẩn bị đối mặt với khó khăn và sẵn sàng chịu trách nhiệm về những hành động của chính mình.
6. Lầm lẫn giữa thông minh và sự trưởng thành
Rất nhiều cha mẹ tưởng lầm rằng một đứa trẻ thông minh sẽ có khả năng độc lập. Sự thật không phải là như vậy. Minh chứng rõ nhất là có rất nhiều người tài năng trong thế giới showbiz vẫn gây nên những vụ tai tiếng tồi tệ. Đừng nghĩ rằng đứa trẻ của bạn có khả năng trong mọi lĩnh vực. Bạn cũng không thể định nghĩa được chính xác “tuổi trưởng thành” của con người là vào lúc nào. Có một cách giúp bạn cân bằng “sự cho phép” và “ngăn cấm” con cái là nhìn xem những đứa trẻ cùng tuổi khác với con mình đã có thể độc lập được đến đâu. Nếu bạn thấy chúng hơn hẳn con mình thì có lẽ bạn đã kiềm chế sự phát triển tính độc lập của con.
7. Đừng làm những gì mà chúng ta cấm trẻ làm
Muốn con trở thành người như thế nào thì bạn hãy sống “mẫu” cho chúng về điều đó. Hãy cẩn thận với những hành động của mình, dù là nhỏ nhất vì trẻ luôn quan sát bạn. Khi bạn làm những điều không đúng đắn, chúng sẽ hiểu rằng chúng có thể làm như vậy. Hãy luôn sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người. Hãy làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, để con trẻ có niềm tin vào điều đó.
Theo Lady.ru