Với người phụ nữ, được làm mẹ vừa là thiên chức, vừa là niềm vui. Trong 9 tháng mang thai, nhiều lúc mẹ cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, cảm xúc của mẹ sẽ "phập phồng lúc lên lúc xuống", đúng kiểu "sáng nắng, chiều mưa". Nhưng cuối cùng, đa phần các mẹ đều cho rằng 9 tháng "đeo ba lô ngược" thật sự là khoảng thời gian rất tuyệt hay ít nhất là kinh nghiệm đáng giá mà thật tiếc nếu chị em nào không trải nghiệm.
Để có một thai kỳ ổn định, khỏe mạnh, và là một kỷ niệm tuyệt vời, các mẹ đừng xem nhẹ khoảng thời gian trước khi mang thai nhé! Quyết định có con là quyết định cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bố mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho các trách nhiệm, vấn đề mới sẽ phát sinh khi gia đình có thêm thành viên mới hay chưa? Bằng cách thảo luận tất cả các vấn đề liên quan tới mang thai, chuẩn bị tinh thần cho thai kỳ sắp tới, mẹ có thể loại bỏ các cảm xúc tiêu cực có thể xuất hiện gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé yêu.
Hai vợ chồng đều sẵn sàng cho vai trò mới là điều rất quan trọng trong việc chuẩn bị tâm lý khi mang thai (ảnh minh họa)
Nói chuyện với ông xã
Một cuộc nói chuyện nghiêm túc, công khai về ý định và mong muốn của mẹ liên quan đến việc gia đinh có thêm thành viên nhí là cực kỳ quan trọng. Một trong những sai lầm tồi tệ nhất mà các cặp vợ chồng có thể mắc phải đó là trì hoãn cuộc nói chuyện về vấn đề mang thai, nuôi dưỡng bé cho đến khi đã quá muộn. Có nhiều câu hỏi quan trọng cũng như mối quan tâm cần được thảo luận trước khi tăng nhân khẩu cho cả nhà. Cuộc thảo luận này chính là bước đầu tiên cho quá trình chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai tránh việc hai vợ chồng bị lúng túng không biết làm những gì, chuẩn bị gì khi tin con yêu về bất ngờ, và cũng là dấu hiệu cho thấy 2 vợ chồng đã sẵn sàng cho vai trò làm cha, làm mẹ. Để bắt đầu cuộc nói chuyện này, mẹ có thể thử một số cách tiếp cận như:
- Mẹ có thể nói chuyện với ông xã về một người bạn thân hay họ hàng vừa biết tin có thai để mở đầu cho câu chuyện. Đưa ra một vài ý kiến của mẹ cho sự kiện đấy sau đó dẫn tới việc thảo luận chuyện mang thai của hai vợ chồng.
- Hoặc mẹ có thể nói trực tiếp cho ông xã biết suy nghĩ của mẹ về việc mang thai trong thời gian gian này. Nếu mẹ cảm thấy đã sẵn sàng cho vai trò mới, hãy trình bày thật rõ để anh xã biết. Đương nhiên, đây nên là thời điểm mà cuộc sống của hai vợ chông đã đủ ổn định và có đủ khả năng kinh tế để chăm sóc một đứa trẻ. Nếu như giữa hai vợ chồng đang có mâu thuẫn hay gặp vấn đề về tài chính, mẹ nên dời ý định này lại cho dù mẹ đã sẵn sàng.
Nếu ông xã còn băn khoăn vì nhiều lí do, mẹ cũng không nên vội vàng. Sẽ mất ít thời gian để thuyết phục ông xã theo ý mẹ. Đừng quấy rầy hay nhắc đi nhắc lại vấn đề này quá thường xuyên. Các chuyên gia khuyên rằng mẹ nên dành thời gian suy nghĩ cho ông xã một vài tháng trước khi trở lại cuộc nói chuyện. Chỉ khi cả hai cùng sẵn sàng, tình cảm hạnh phúc nhất, vật chất đầy đủ... mới là điều kiện tốt nhất đối với sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Tìm kiếm thông tin về mang thai
Trước khi mang thai, các bác sĩ khuyên hai vợ chồng nên tìm hiểu trước thông tin liên quan đến việc mang thai, đó sẽ là những hướng dẫn ban đầu để mẹ và ông xã hiểu biết về những gi có thể xảy ra với sức khỏe, thay đổi cảm xúc khi mang thai như các rủi ro, căng thẳng..., từ đó chuẩn bị tâm lý thật tốt. Một trong những nguồn thông tin hữu hiệu đó là sách báo, kinh nghiệm của bà, mẹ hay bạn bè, những người đã có kinh nghiệm nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, nguồn thông tin quá nhiều cũng có thể khiến mẹ bị "nhiễu", cảm thấy quá tải và không phải ý kiến nào cũng hữu ích. Vì thế mẹ cần nhận thức rõ về những điều được truyền đạt dựa vào hiểu biết của mẹ về người đưa ra lời khuyên và đừng để những kinh nghiệm không đúng ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như suy nghĩ của mẹ về việc mang thai.
Tìm hiểu kiến thức về mang thai, chăm sóc bé là điều mẹ nên làm (ảnh minh họa)
Sử dụng biện pháp tránh thai cho đến khi hai vợ chồng sẵn sàng có em bé
Nguyên nhân phổ biến nhất của việc tâm lý không được chuẩn bị ổn định khi mang thai đó chính là do có thai ngoài ý muốn. Khi bất ngờ biết tin mình có thai, mẹ lo lắng mình có uống rượu khi bé yêu về hay không, sức khỏe của mẹ có đủ để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, có được sự khởi đầu tốt nhất hay không hay nghiêm trọng hơn nữa đó là mẹ cảm thấy chưa sẵn sàng để làm mẹ... Những cảm xúc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mẹ và bé. Chỉ khi mẹ đã có kế hoạch mang thai rõ ràng mới loại bỏ biện pháp tránh thai. Bằng cách này, hai vợ chồng sẽ chủ động kiểm soát tình hình cũng như đạt được kết quả đúng như mong muốn.
Xem xét việc viết "nhật ký mang thai"
Trong đó mẹ có thể ghi lại tất cả cảm xúc mà mẹ đã trải qua trong thai kỳ, bao gồm cả quyết định cố gắng mang thai của mẹ. Có thể mẹ không có thói quen viết nhật ký hàng ngày nhưng chắc chắn mẹ sẽ rất yêu thích cuốn nhật ký đặc biệt này khi mẹ xem lại và biết rằng "hóa ra mình đã có lúc như thế!"... hay để dành tặng cho bé yêu của mẹ như một món quà đầy ý nghĩa.
Một lợi ích thực tế hơn để mẹ nên làm điều này đó là cuốn nhật ký này sẽ giúp mẹ thể hiện cảm xúc, đây cũng là một cách rất tốt để mẹ giải tỏa tâm lý. Việc theo dõi những thăng trầm của cảm xúc, tâm trạng của mẹ trong thai kỳ cũng sẽ cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích để bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho mẹ. Hay mẹ có thể biến cuốn nhật ký này thành "Cẩm nang mang thai", trong đó ghi lại những kinh nghiệm mà mẹ đã thu thập được từ người thân, bạn bè, sách báo, hay những gì mẹ cần làm trong thai kỳ, những gì mẹ cần sắm sửa cho mẹ và bé....
Lên kế hoạch tài chính
Tài chính là vấn đề quan trọng; việc mang thai, sinh con và nuôi con rất tốn kém. Khó khăn về tài chính là một trong những nguyên nhân khiến tâm lý của mẹ không được thoải mái, nhiều áp lực, suy nghĩ trong thời gian mang thai, thậm chí là bực bội, cáu gắt...Vì vậy, trước khi đón chào thêm một thành viên mới trong gia đình, hai vợ chồng nên lập kế hoạch tài chính một cách cụ thể, như thời gian nghỉ việc bao lâu, nguồn thu trong thời gian đó như thế nào, các khoản chi ra sao để quá trình mang thai diễn ra thuận lợi và đảm bảo đầy đủ cho bé khi chào đời. Việc lên kế hoạch tài chính sẽ giúp mẹ thực hiện mọi việc thuận lợi, đề phòng được các bất trắc có thể xảy ra.
Lên kế hoạch tài chính là vạch đường cho tương lai của gia đình (ảnh minh họa)
Mẹ cũng nên lên danh sách đồ dùng cần thiết trước khi mua. Tất cả đồ dùng của bé không cần phải là thứ mới nhất hoặc tốt nhất mà chỉ cần đảm bảo chúng sạch sẽ và an toàn. Trẻ em thường lớn rất nhanh, vì thế thật sự là lãng phí nếu như mẹ mua quần áo quá nhiều. Mẹ có thể cân nhắc đến việc sử dụng quần áo của anh chị em họ của bé để tiết kiệm chi phí.
Người phụ nữ mang thai cần phải có cơ thể khỏe mạnh
Sức khỏe của mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý khi mang thai. Đa số phụ nữ khi mang thai dù lần đầu hay lần thứ 2, 3 cũng sẽ không lường trước được những bất ổn tâm lý diễn ra trong suốt thai kỳ. Khi mang thai, rất nhiều chị em cảm thấy dễ quên, mất tập trung, mệt mỏi, buồn nôn, cáu gắt... do sự thay đổi nội tiết tố cũng như những thay đổi của cơ thể trong thời gian mang thai. Chính sự thay đổi sinh lý này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý khi mang thai.
Để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh, không bị các "tác dụng phụ" khi bầu bí hành hạ, mẹ nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt.
- Kiểm tra sức khỏe trước lúc chuẩn bị mang thai là hoàn toàn cân thiết. Mẹ cần biết chắc chắn rằng tình trạng sức khỏe của vợ chồng mình có thể sinh ra em bé thật khỏe mạnh và phát triển toàn diện hay không. Đi kiểm tra sức khỏe sẽ cho mẹ biết những bệnh mẹ đang mắc phải hay các loại thuốc mẹ đang sử dụng có thể ảnh hưởng đến thai nhi hay không...
- Xem xét giảm bớt lượng công việc, đi ngủ sớm, tập thể dục thường xuyên, có một chế độ ăn uống lành mạnh... sẽ giúp mẹ kiểm soát sức khỏe tốt hơn. Từ đó sẽ tạo cho mẹ tâm lý thoải mái trong thai kỳ.
Chuẩn bị cho 9 tháng mang thai- "vượt cạn"- sau sinh
Việc chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để đón bé yêu giúp mẹ cũng như ông xã có tâm lý ổn định trong thời gian mang thai. Lên kế hoạch trang trí phòng của bé, mua sắm quần áo, đồ dùng, đặt tên cho con, phân công công việc, trách nhiệm của hai vợ chồng sau sinh... là những việc chuẩn bị cần thiết nhưng đơn giản có thể hoàn thành ngay trong thời gian mang thai. Mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ giúp hai vợ chồng ứng phó với bất cứ tình huống đột xuất nào có thể xảy ra. Rõ ràng rằng nếu mẹ không có sự chuẩn bị trước, những tình huống bất ngờ sẽ rất dễ khiến mẹ cuống và bối rối.
Ngoài ra mẹ nên tham dự các lớp tiền sản, các lớp học sinh nở, chăm sóc bé sau sinh... bởi "bản năng làm mẹ" sẽ giúp ích mẹ nhiều nhưng không phải tất cả, nhất là với những mẹ chưa từng có kinh nghiệm, có nhiều việc tưởng như đơn giản nhưng đến khi mẹ tiếp xúc mới thấy nó cũng là một vấn đề không hề dễ dàng.
Các lớp học tiền sản sẽ giúp mẹ không còn "bỡ ngỡ" với vai trò làm mẹ sắp tới (ảnh minh họa)
Tâm sự, chia sẻ thường xuyên trong thời gian mang thai
Cách tốt nhất để chuẩn bị tinh thần trước và trong khi mang thai đó là thường xuyên trao đổi về những lo lắng, sợ hãi, hy vọng cũng như mong muốn của mẹ. Mẹ sẽ trải qua rất nhiều cung bậc của cảm xúc:
- Tuần đầu mang thai: mẹ thường có tâm lý hồi hộp, đôi khi ngờ vực, lo sợ, tình cảm lẫn lộn.
- Ba tháng đầu: do bị ốm nghén, nhiều mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, cáu kỉnh và dễ quên.
- Ba tháng giữa: mẹ bắt đầu phát sinh những tình cảm đặc biệt với em bé, với người thân xung quanh do sự cử động của thai nhi, mẹ sẽ trở nên nhạy cảm, đa cảm hơn rất nhiều.
- Vài tuần cuối của thai kỳ: mẹ lại cảm thấy nặng nề và lo lắng về kỳ sinh sắp tới. Thậm chí nhiều mẹ còn có thể phát sinh tâm lý buồn chán, cô đơn.
Trò chuyện với ông xã, cha mẹ, anh chị em hay những người bạn thân thiết sẽ giúp mẹ giải tỏa căng thẳng, củng cố tinh thần và giảm bớt áp lực tâm lý thường xuất hiện khi mang thai. Nếu mẹ sống xa gia đình, mẹ có thể tham gia các diễn đàn trực tuyến dành cho phụ nữ, bà bầu để có thể chia sẻ tâm sự cũng như học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý giá từ các mẹ bầu khác.