Vệ sinh đôi tay của trẻ là một trong những cách phòng bệnh tiêu chảy cấp hiệu quả. Ảnh internet
Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em và xảy ra quanh năm, tuy nhiên tỉ lệ bệnh sẽ tăng nhiều lên ở các thời điểm chuyển mùa. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc (Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM), tiêu chảy do vi khuẩn thường cao điểm vào mùa mưa và nóng, tiêu chảy do virus xảy ra quanh năm nhưng tăng vào các tháng khô và lạnh.
Luôn giữ sạch đôi tay
Vi khuẩn gây bệnh luôn có trong môi trường sống và thường đi vào cơ thể thông qua thức ăn, đồ uống. Chẳng hạn trong quá trình ăn uống bé nuốt phải thức ăn chứa vi sinh vật có độc tố gây bệnh hoặc vi khuẩn bám vào tay của bé khi bé cầm nắm đồ chơi và theo đó đi vào miệng.
Vì vậy để phòng bệnh cho bé, cha mẹ nên vệ sinh bàn tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn, luôn cho bé ăn chín, uống sôi. Cho bé rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Không cho bé ăn thức ăn đã nấu chín nhưng để lâu mà không được bảo quản cẩn thận.
Đối với những thức ăn bé mới ăn lần đầu, nên cho ăn với lượng ít, và tăng dần lên ở những lần sau vì hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, có thể sẽ chưa dung nạp được thức ăn lạ dẫn đến tiêu chảy. Cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh bàn tay cho bé, nhất là trẻ dưới hai tuổi vì có thói quen cho tay vào miệng ngậm hoặc cầm nắm đồ ăn. Sử dụng nguồn nước sạch cho ăn uống và vệ sinh.
Nên nuôi con bằng sữa mẹ, cho bé bú mẹ ngay sau sinh và nên bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.
Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là cần cho bé tiêm phòng và uống đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.
Chăm sóc khi bé bệnh
Dấu hiệu của tiêu chảy cấp là khi bé tiêu chảy trên 3 lần/ngày, phân không thành khuôn. Ở trẻ bú mẹ, mẹ sẽ thấy phân bất thường, tăng số lần đi tiêu, tăng mức độ lỏng của phân.
Khi bé mắc bệnh, cha mẹ không nên điều trị bằng những biện pháp dân gian. Không ăn kiêng; không nên ép bé ăn quá nhiều vì lúc này cơ thể của bé, nhất là bộ phận tiêu hóa đang “đình công” nếu ép ăn nhiều thì bé càng đi ngoài nhiều dẫn đến bị mất nước nhiều hơn.
Nên cho bé ăn các thức ăn đủ chất dinh dưỡng nhưng dễ tiêu (cháo thịt heo bằm…), mỗi lần ăn ít một và chia ra nhiều bữa nhỏ. Cho bé uống bù nước bằng dung dịch oresol là tốt nhất, vì trong oresol có chứa những chất điện giải quan trọng mà bé bị mất qua phân, giúp bé cân bằng lại sức khỏe và mau hết tiêu chảy.
Lưu ý phải pha gói oresol với lượng nước chín đúng theo hướng dẫn ngoài bao bì. Nếu pha không đúng cách, nồng độ chất điện giải quá thấp hoặc quá cao sẽ làm tiêu chảy nhiều hơn.
Khi bé hết tiêu chảy, cho bé ăn tăng thêm một bữa phụ mỗi ngày trong hai tuần để bé mau lại sức và phòng suy dinh dưỡng. Đối với bé bú mẹ, tiếp tục cho bé bú nhiều hơn và lâu hơn nếu bé muốn.
Cha mẹ nên đưa bé đi khám khi bé có các triệu chứng như tiêu chảy nhiều lần kèm khát nước nhiều, tiêu chảy kèm sốt cao, nôn ói nhiều lần, không uống được nước, tiêu chảy có đàm máu, bé mệt không chịu ăn. Trường hợp bé đi nhiều lần trong ngày nhưng vẫn tỉnh táo, chơi đùa bình thường thì có thể theo dõi ở nhà và cho bé uống bù nước bằng oresol.
Nên đưa trẻ đến BV khám khi có các dấu hiệu tiêu chảy nhiều lần, sốt cao... Ảnh minh họa: internet
Điều trị tiêu chảy cấp đúng sẽ làm giảm nguy cơ tử vong, giảm suy dinh dưỡng. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng cách giữ vệ sinh và phòng ngừa bằng vacxin.
LINH GIANG (ghi)
theo. phunuonline