Suốt thời gian mang thai, bạn phải đối mặt với những thay đổi của cơ thể, đáp ứng nhu cầu phát triển của bào thai. Một trong những rắc rối liên quan đến thai kỳ là tình trạng ngứa do da bị rạn và khô. Ngứa trong thai kỳ là hiện tượng dễ gặp và ít khi gây nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngứa có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe như mất ngủ, kém ăn hoặc những triệu chứng khác do bác sĩ chẩn đoán. Khi đó, thai phụ cần được theo dõi chặt chẽ của bác sĩ để tránh kiệt sức hoặc tổn thương đến làn da.
Chế độ dinh dưỡng tốt, cộng với sử dụng kem giữ ẩm hợp lý, giàu vitamin E sẽ cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, một số người mẹ bị ngứa nghiêm trọng ở tay, chân, lòng bàn chân, bụng bầu hoặc toàn cơ thể - gọi là hội chứng Obstetric Cholestasis (OC).
Tiến hành kiểm tra
Chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán chứng ngứa ở thai phụ ở mức độ nào, bao gồm:
- Kiểm tra xem ngứa xuất hiện ở đâu, khu vực nào bị ngứa nặng nhất, đặc biệt ở gan bàn tay và gan bàn chân.
- Thai phụ được chỉ định xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra những vấn đề liên quan.
- Kiểm tra tình trạng mệt mỏi, kiệt sức của thai phụ.
- Xem xét tình trạng ngứa gây ảnh hưởng thế nào đến sinh hoạt của bà bầu, có làm bà bầu mất ngủ không.
- Kiểm tra chế độ dinh dưỡng, chẩn đoán chứng ngứa có phải do dị ứng thức ăn hay không.
Lưu ý: Nếu bị ngứa toàn thân (hội chứng OC), thai phụ dễ bị chuyển dạ sớm. Vì thế, người mẹ cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán và tìm cách điều trị bằng thuốc uống và thuốc bôi.
Ngoài những bước kiểm tra nêu trên, thai phụ có thể xuất hiện những dấu hiệu ít phổ biến hơn là vàng da, bị nôn và trầm cảm. Nếu bác sĩ nghi ngờ thai phụ mắc OC, thai phụ còn phải làm xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan. Nhiều xét nghiệm gộp lại mới cho kết quả chính xác.