Tuổi ấu thơ đã phải nằm trên lưng mẹ đi hành khất, chịu cảnh màn trời chiếu đất khắp các ga tàu, lều chợ, nhưng giờ đây Hiên đã trở thành bác sĩ đúng như khát vọng thời bĩ cực nhất của đời cô.
Hiên là thế hệ thứ tư trong một gia đình đi ăn xin. Từ ông bà đến cha mẹ và chị em Hiên đều đi ăn xin.
|
Nguyễn Thị Hiên đi bán củi năm học lớp 11. |
Khi bước qua tuổi thứ 8, Hiên đã cảm nhận được nỗi cay đắng, sự tủi nhục của kiếp hành khất nên nằng nặc đòi cha mẹ cho đi học bằng được.
10 năm trước, khi bài báo viết về Hiên trên báo chí đến với bạn đọc thì cô đang học lớp 11 Trường cấp III Yên Thành 3, nặng chưa đầy 32kg, người khô quắt nhưng có thể lao động cật lực như một nông dân thực thụ.
Hằng ngày Hiên vô rừng Kim Thành lượm củi rồi chở xuống chợ Gám, chợ Rộc xa 15 cây số bán 5.000 đồng một gánh để kiếm thêm tiền mua thuốc cho cha mẹ do đau ốm không đi hành khất được.
Từ xóm Đồng Luốc đến giảng đường đại học
Ngày nắng, ngày mưa vẫn lầm lũi với bó củi và chiếc xe đạp cà tàng nhưng vẫn không thoát khỏi cuộc sống khó khăn nên Hiên tìm cách gặp ông Trương Ngọc Long, xóm trưởng xóm Đồng Luốc, để xin nhận sáu sào ruộng. Hiên năn nỉ: “Giống má, phân bón chú cho cháu vay, còn việc cày cấy cháu sẽ làm, đến mùa cháu trả nợ”.
Ông Long kinh ngạc trước đề xuất táo bạo này nhưng vẫn đồng ý dẫu biết việc làm ra hạt gạo giữa đồng đất vùng kinh tế mới Kim Thành hồi đó đâu có dễ dàng gì.
|
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiên khám bệnh từ thiện cho bà con ở quê nhà Đồng Luốc dịp tết 2014. |
Chính vì sự lam lũ khác người ấy mà bà con xóm Đồng Luốc tấm tắc khen “nhà ông hành khất Nguyễn Ngọc Diêu (bố Hiên) có một cô con gái vàng”.
Chuyện đi học của Hiên được cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Hà hồi Hiên học lớp 1A (1993) nhớ lại: “Vào đầu năm học, tôi thấy một đứa bé gầy gò, lem luốc, rách rưới cứ đứng ở góc cửa lớp nhìn vào. Hỏi thăm mới biết hoàn cảnh của em nên tôi tìm đến nhà động viên gia đình để em được đến trường học. Tôi đã nhận em vào lớp của mình, không ngờ em sáng dạ lắm, luôn đứng nhất nhì lớp, lại hát hay nữa”.
Ba năm cấp II Hiên là học sinh xuất sắc của trường, học sinh giỏi của huyện. Ba năm cấp III đều đoạt giải khuyến khích môn sinh của tỉnh. Kỳ thi đại học năm 2005 Hiên đạt 23 điểm, đậu vào trường ĐH Y Thái Nguyên.
Đây là giảng đường nghề nghiệp mà Hiên hằng mơ ước bước vào, bởi hồi bé cô từng chứng kiến trận dịch tả hoành hành cướp đi nhiều mạng sống người dân xóm nghèo Đồng Luốc.
Nuôi tiếp ước mơ
Sau sáu năm được nhận học bổng tại ĐH Y Thái Nguyên, tháng 6/2011 Hiên ra trường với tấm bằng loại khá và là đảng viên trẻ mới được kết nạp. Không bằng lòng với tấm bằng bác sĩ của Đại học Y Thái Nguyên và một việc làm trước mắt, cô sinh viên nghèo này đã nộp đơn dự thi lớp bác sĩ nội trú tại Trường đại học Y Hà Nội.
Rất tiếc, cô thiếu 0,5 điểm để hoàn tất ước mơ. Cô về thành phố Vinh (Nghệ An) nộp đơn xin vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa Cửa Đông thì ông Nguyễn Xuân Kiên - chủ tịch hội đồng quản trị nhận ngay nhưng với điều kiện phải làm việc lâu dài ở đây.
Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, Hiên nói lời biết ơn tấm lòng của ông Kiên, rồi quay về nhà gói ghém hành lý tìm vào TP.HCM để hoàn thành giấc mơ dang dở là phải thi bằng được bác sĩ nội trú. Những ngày đầu vào TP.HCM, Hiên thường bị lạc đường và thời gian tấm bản đồ trong tay sờn cũ cũng là thời gian thử thách ý chí của Hiên. Cô vừa phải làm thêm tại bệnh viện tư để kiếm tiền mưu sinh vừa nuôi ước mơ đeo đuổi khoa học.
Cuối năm 2011, cô nộp đơn vào học lớp định hướng chuyên khoa mắt tại Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Tháng 3/2013, Hiên thi tiếp vào trường đại học Y dược TP.HCM với ba môn toán, tiếng Anh và chuyên ngành để làm luận án thạc sĩ.
Hiên nói tự tin: “Khi biết thi đậu rồi, tôi cảm thấy hài lòng vì mình đã dám dấn thân. Giờ đã hoàn thành đề cương, đến tháng 10/2015 tôi sẽ bảo vệ luận án thạc sĩ. Đây là chương trình mà các thầy giáo đều là giáo sư, tiến sĩ nên mình tranh thủ học hỏi được nhiều điều bổ ích cho nghề nghiệp. Bảo vệ thành công luận án thạc sĩ là không dễ nhưng trong gian khó mới cần có nghị lực”.
Khi biết được kết quả học tập của Hiên, bạn bè của cô đã gán cho cô biệt danh mới là Hiên liều. Thời gian đối với Hiên lúc này eo hẹp đến nỗi “tôi không có thời gian mua sắm quần áo mà chỉ đủ thời gian để đi chợ mua thức ăn”.
Bận bịu là thế nhưng Hiên còn chọn ngày thứ bảy, chủ nhật tham gia cùng các tổ chức nhân đạo đi khám bệnh tình nguyện tại các tỉnh thành như Huế, Bình Thuận, Củ Chi (TP.HCM) và An Giang... Cô còn tranh thủ về thăm quê để khám bệnh, phát thuốc cho các cụ cao tuổi ở quê hương Đồng Luốc.
3.000 bó củi và lời động viên của xã hội
Mái nhà tranh chỉ có bốn cái cột cong vênh của gia đình Hiên trước đây giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà tình nghĩa của tỉnh Nghệ An cất cho. Cạnh nhà là đồi cây tràm do cha mẹ Hiên làm kinh tếhơn ba năm nay.
Năm 2004, sau khi bài báo "Nàng tiên nhỏ trong gia đình cái bang" được đăng, ban công tác xã hội của báo Tuổi Trẻ đã đến trường cấp III Yên Thành 3 ở xã Kim Thành trao 16.970.000 đồng tiền hỗ trợ của bạn đọc. Cầm số tiền trên tay, Hiên rưng rưng nói: “Mỗi gánh củi đi lượm trong rừng rồi chở qua 15 cây số chỉ bán được 5.000 đồng. Như vậy số tiền này sẽ giúp cháu có 3.000 bó củi mà không phải lao động. Một sự thật quá sức tưởng tượng của cháu”.
Nhắc lại ký ức này, Hiên nói: “Khi chưa có bài báo, có lúc tôi cố nhủ mình rằng gắng học hết cấp III rồi đi làm thuê. Nhưng sau bài báo thì hàng loạt sự kiện xuất hiện trên báo như “Tìm nàng tiên nhỏ ở đâu”, “Nàng tiên nhỏ - tấm gương sáng cho những mảnh đời bất hạnh”... với những lời động viên hết sức cảm động của những nhóm bạn sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, TP.HCM, của các chú bộ đội và nhiều người tốt bụng khác”.
Hiên còn nhớ có người lặn lội đường xa đến nhà cô cho cái quạt, hai cái mền. Có người cho chiếc xe đạp còn ân cần dặn “chiếc xe mới dành để đi học, còn xe đạp cũ để đi bán củi”. Khi ra Bưu điện huyện Diễn Châu (Nghệ An) nhận quà, cô giao dịch viên hỏi quà của ai gửi thì Hiên không biết mà chỉ biết đó là bạn đọc của báo Tuổi Trẻ. Sự đùm bọc của cộng đồng xã hội khiến Hiên kiên quyết vượt qua mặc cảm để dấn thân vào sự học đầy gian lao phía trước, nhất là sáu năm học ở trường ĐH Y Thái Nguyên.