Tại một trường THCS ở TP.HCM, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, giáo viên chủ nhiệm thông báo có tới 98% học sinh đạt loại Giỏi, tương đương 48 em và chỉ có duy nhất một học sinh đạt loại Khá.
Xu hướng này không phải là hiếm, đặc biệt ở các cấp tiểu học, THCS.
Nguyên do chủ yếu của hiện trạng này là do cách tính thành tích của giáo viên, của trường dựa trên thành tích học tập của học sinh. Một giáo viên cho biết trường chị vẫn đang xét số lượng học sinh giỏi để tính vào điểm thi đua của các cô. “Năm vừa rồi do lớp mình ít học sinh giỏi hơn các lớp khác nên điểm thi đua của cô kém nhất” – chị chia sẻ với tâm trạng không giấu được một chút buồn rầu.
Không chỉ giáo viên, nhà trường mắc bệnh thành tích, mà chính phụ huynh cũng cần những cái mác “học sinh giỏi” để khoe khoang, tự hào. Báo Dân trí đưa tin, ở một trường thuộc Cần Thơ, phụ huynh còn “tố” nhà trường ra đề kiểm tra quá khó, làm con họ không đạt kết quả giỏi mặc dù đã có gần ¾ số em đạt điểm 9, 10.
Trong khi nhiều phụ huynh thỏa mãn với những bảng điểm đẹp như mơ của con em mình, thì cũng có những ông bố bà mẹ chưa yên lòng. Họ băn khoăn không biết bao nhiêu phần trăm trong cái danh hiệu “học sinh giỏi” của con mình là thực lực.
Một ông bố kể chuyện cậu con trai đi học về khoe được học sinh giỏi. Anh hỏi lại “lớp con có mấy bạn học lực Khá?” Khi cậu con trả lời “có 3 bạn” thì anh hài hước bảo con rằng: “Chắc con xếp thứ 4 từ dưới lên”.
Một ông bố khác thì tiết lộ nguyên do lớp con anh toàn học sinh giỏi: “Làm gì mà không giỏi! Con tôi mới xong lớp 6, mỗi môn thi học kỳ đều được nhà trường đưa đề cương ôn tập (khoảng 2 mặt tờ A4). Cu cậu học 1 ngày là xong, tôi rượt lại cho một lần là thi 10 liền, bét cũng 9; tổng kết cuối năm 9.1, đứng thứ... 31/53 bạn của lớp. Chắc lớp con tớ toàn thần đồng!”
Chị Tuyết Minh – giáo viên một trường trung cấp chia sẻ, có những em đạt học lực tiên tiến, điểm xét tuyển vào trường trên 21 điểm nhưng cũng không học được, do trường chỉ xét tuyển dựa trên điểm trung bình 3 năm phổ thông.
Những “cách thức” mà các giáo viên, các trường đã làm để tỷ lệ học sinh giỏi cao chót vót cũng được nhiều phụ huynh chia sẻ: cho làm bài kiểm tra trước, rồi cô chữa bài, hôm sau lại làm đúng y nguyên đề bài đó; giáo viên đọc đáp án cho học sinh chép; để học sinh chạy khắp phòng trao đổi bài thi; hay có trường chỉ cho học sinh học các môn của khối thi đại học, còn lại các môn khác thì giáo viên cho điểm mà học sinh hầu như không cần học.
Trong khi đó, kết thúc năm học 2013-2014, kết quả học tập của học sinh khối 10 ở Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM) lại khiến phụ huynh không biết nên lo hay nên mừng.
Kết quả học tập ở 2 lớp 10C10 và 10C11 là kém nhất, với phần lớn học sinh học lực yếu, kém, phải thi lại hoặc lưu ban. Theo tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ thì kết quả học tập toàn khối 10 của trường như sau: 7,4% học sinh đạt học lực giỏi, 16,8% khá, 58,5% trung bình và 17,3 yếu, kém.
Các phụ huynh đặt câu hỏi không biết nhà trường giảng dạy như thế nào mà kết quả toàn trường lại kém đến vậy. Phải chăng trường không quan tâm tới học sinh, chưa có những giải pháp cần thiết để cải thiện chất lượng học tập của các em, mặc dù kết quả này đã biết trước từ cuối học kỳ I?
Giải thích về kết quả này, ông Văn Đức Lo – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do điểm đầu vào của trường rất thấp, nhiều học sinh trước đó chỉ đạt học lực trung bình, hạnh kiểm trung bình. Thứ hai là do phụ huynh chưa quan tâm đến việc học hành của con cái, vì phần lớn phụ huynh là người nhập cư, bận rộn làm ăn.
Ông Lo cũng cho biết, sau học kỳ I, nhà trường đã tổ chức tăng tiết, bồi dưỡng ngoài giờ nhưng học sinh lười, không đi học. Nhà trường mời phụ huynh lên nhưng họ không đến.
Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định, đề thi trường ra chỉ trong phạm vi kiến thức cơ bản, không đánh đố và công tác coi thi của trường cũng rất khắt khe. Dù là thi học kỳ nhưng trường đều trộn lớp, chia phòng như thi tốt nghiệp.
Đây cũng không phải là năm đầu tiên kết quả khối 10 thấp như vậy. Năm học 2012-2013, toàn trường có đến hơn 50 học sinh lớp 10 phải ở lại lớp. Kết quả của sự nghiêm ngặt này là trường đạt gần 100% đỗ tốt nghiệp THPT và hơn 60% học sinh đỗ ĐH, CĐ nguyện vọng 1 – theo lời hiệu trưởng Văn Đức Lo.
Để bàn về giải pháp cải thiện kết quả học tập của khối 10 năm học vừa qua, sáng ngày 25/5, ban giám hiệu đã họp phụ huynh 2 lớp 10C10 và 10C11 – 2 lớp được nhà trường cho biết là gồm những học sinh có kết quả đầu vào thấp nhất trường.