Tư tưởng thoáng về quan hệ nam nữ
Dân tộc Bạch sống chủ yếu ở vùng Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ Bạch trong tiếng Hán có nghĩa là trắng, vốn có nguồn gốc từ chính màu sắc của trang phục mà họ thường mặc. Dân tộc Bạch là một trong những nhóm dân tộc có dân số lớn của Trung Quốc, ước tính hiện nay có khoảng trên 2 triệu người.
Điểm khiến người Bạch trở lên khác biệt với nhiều dân tộc khác trên đất nước Trung Hoa đó là họ có tư tưởng rất tiến bộ. Trong xã hội của người Bạch, gia đình là quan trọng nhất. Bởi vậy, họ rất coi trọng hôn nhân và chỉ duy trì chế độ một vợ-một chồng, tuyệt nhiên không có chuyện đàn ông năm thê bảy thiếp. Người Bạch cũng là dân tộc hiếm hoi không tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ. Họ tôn trọng và đối xử bình đẳng với nữ giới.
Song, mỗi khi nhắc đến người Bạch sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến tư tưởng rất “Tây” trong “chuyện yêu đương nam nữ”, kể cả trước và sau hôn nhân của dân tộc này. Những điều này tưởng chừng mâu thuẫn với hình mẫu gia đình một vợ một chồng mà họ đã xây dựng, nhưng thực tế lai không phải vậy. Cộng đồng người Bạch có những quy định và phong tục tạo điều kiện cho những đôi trai gái được phép làm “chuyện ấy” với tình nhân, bất kể họ có gia đình hay chưa. Những người thực hiện theo phong tục truyền thống sẽ không bị bất cứ một sự chỉ trích hay lên án nào của gia đình hay xã hội.
|
Những chàng trai được công khai tán tỉnh các cô gái tại lễ hội Rao San Ling. |
Bất cứ cô gái người Bạch nào cũng được cha mẹ xây cho một căn phòng riêng và căn phòng này có lối dẫn vào thông qua phòng khách. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng của cha mẹ với cuộc sống riêng tư của con cái, mà còn thể hiện cái nhìn cởi mở về việc quan hệ tình dục trước hôn nhân đối với những cô gái ở tuổi cập kê. Đối với những nam thanh, nữ tú còn độc thân, họ được phép công khai tán tỉnh và tìm hiểu nhau ngay tại những hoạt động sinh hoạt cộng đồng hay những lễ hội của dân tộc. Nếu chàng trai và cô gái có tình cảm với nhau, chàng trai sẽ chủ động tìm đến nhà của cô gái vào buổi tối và được phép vào phòng riêng của cô gái để tâm sự, thậm chí là “thân mật”.
Nếu chàng trai không muốn tâm sự tại nhà của cô gái, anh ta có thể xin phép đưa cô gái về phòng riêng tại nhà của mình. Khi tình cảm đã chín muồi, chàng trai sẽ xin cưới cô gái. Ngược lại, không may chuyện tình cảm đứt gánh giữa đường, hai bên sẽ chia tay và chàng trai không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. Cô gái sẽ tiếp tục gặp gỡ và “thân mật” với những chàng trai khác tại khuê phòng của mình cho đến khi tìm được ý chung nhân và yên bề gia thất.
Nếu những người Bạch độc thân có cơ hội hẹn hò và gặp mặt bạn tình của mình hằng đêm, thì những người đã lập gia đình cũng có dịp được gặp lại và “dan díu” với người tình cũ hàng năm. Phong tục đặc biệt này diễn ra duy nhất 1 lần trong năm vào dịp lễ hội Rao San Ling.
3 ngày dan díu tình cũ tại lễ hội Rao San Ling
Lễ hội này được tổ chức từ ngày 23-25 trong tháng 4 âm lịch, thời điểm trước khi người Bạch bước vào một vụ mùa mới. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc này. Nó còn được ví von là ngày lễ tình nhân của những người đã có gia đình.
Bất cứ ai đều có thể tham gia lễ hội Rao Sang Ling nhưng những người đã kết hôn chiếm đa số. Bởi, đây chẳng khác nào là dịp họ được “tháo cũi, sổ lồng” một cách hợp pháp. Trong suốt 3 ngày 3 đêm liên tiếp diễn ra lễ hội, những người tham gia sẽ diện những bộ trang phục truyền thống bắt mắt nhất của mình. Đối với những người đã có gia đình, việc ăn mặc đẹp không chỉ để phục vụ lễ hội mà còn bởi ai cũng muốn mình thật hoàn hảo trong mắt người tình.
Khi lễ hội bắt đầu cũng là lúc đàn ông mang những loại nhạc cụ truyền thống ra chơi, còn phụ nữ thì nhảy múa và ca hát. Người Bạch coi tiếng đàn, tiếng hát như một công cụ giúp họ bày tỏ nỗi nhớ nhung và tâm sự luôn giấu kín trong lòng. Không khí lễ hội vốn đã náo nhiệt lại càng sôi động hơn bởi ai cũng phấn khích vì sắp được gặp lại người yêu cũ. Sau khi đã mệt lả vì ca hát, nhảy múa, những người Bạch sẽ chủ động tản ra để đi tìm người tình. Thông thường, họ không mất quá nhiều thời gian để tìm thấy nhau, bởi từ mùa lễ hội trước, nhiều cặp đôi đã hẹn gặp nhau vào mùa lễ hội này ở những địa điểm cố định.
Sau khi tìm thấy nhau, các cặp đôi sẽ đi đến những nơi vắng vẻ, tránh xa không khí ồn ào của lễ hội để tâm sự, chuyện trò. Họ có thể nói chuyện thâu đêm. Khi đã hàn huyên đủ thứ chuyện, họ sẽ làm tình với nhau cho thỏa nhớ nhung sau cả năm trời xa cách. Việc làm này không bị coi là trái đạo lý mà được cho là một nét văn hóa đẹp của người Bạch.
Trong quá khứ, những người phụ nữ đã lấy chồng mà chưa có con, sau khi gặp gỡ người tình tại lễ hội Rao San Ling và mang thai sau đó, thì đứa bé được coi là món quà của ông trời ban tặng. Tuy nhiên ngày nay, những người tham gia lễ hội đã chủ động có những biện pháp tránh thai để giữ gìn hạnh phúc gia đình cho cả đôi bên.
|
Ánh mắt rạng rỡ của đôi trai gái ở lễ hội. |
Giải thích cho phong tục kỳ lạ, người Bạch cho biết đó là truyền thống có từ lâu đời của dân tộc họ. Người Bạch vốn là dân tộc rất coi trọng tình yêu và hôn nhân. Tuy nhiên nhiều đời trước, việc cưới xin của người Bạch chủ yếu là do mai mối mà thành. Khi ấy, nam nữ chưa được phép tự do tìm hiểu nhau như ngày nay. Bởi vậy, nhiều đôi nam nữ dù yêu nhau nhưng lại không đến được với nhau. Thế nên, dù đã kết hôn nhưng nhiều người vẫn tơ tưởng đến tình cũ.
Chính vì vậy, người Bạch nghĩ ra việc để cho những người đã lập gia đình được phép gặp lại tình cũ của mình vào một dịp nhất định hàng năm. Họ tin rằng, một khi đã được thỏa mãn nỗi nhớ nhung tình cũ thì nhiều người sẽ không còn ham muốn và vấn vương nữa. Nhờ đó, họ sẽ yên tâm để tập trung xây dựng cuộc sống gia đình.
Mặc dù phong tục dan díu với tình cũ 3 ngày mỗi năm của người Bạch là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, song nó vẫn bị nhiều người lên án vì cho rằng đã cổ súy cho việc ngoại tình. Tuy nhiên, người Bạch không nhìn nhận nó là mối quan hệ ngoài luồng sau hôn nhân mà họ nhìn nó với một ý nghĩa hết sức nhân văn. Với họ, đó chỉ đơn giản là việc mang lại niềm an ủi cho những đôi lứa không thể bén duyên vợ chồng.
Thu Huyền