Đến khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân cuối tuần qua, bệnh nhân 22 tuổi cho các bác sĩ biết, anh cảm nhận mình có những dấu hiệu bất thường. "Dương vật tôi vẫn có thể cương cứng khi quan hệ tình dục, tuy nhiên không thể xuất tinh".
Kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân không có tinh hoàn. Nghi ngờ bất thường về giới, các bác sĩ đã thực hiện chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm giới tính, kết quả cho thấy bệnh nhân mang cặp nhiễm sắc thể nữ.
|
Các bác sĩ có thể tạo hình chỉnh sửa những trục trặc của bộ phận sinh dục. Ảnh minh họa: T.D |
Thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân cho biết, hiện tượng này xảy ra do chứng rối loạn nội tiết tố. Ở bệnh nhân này, nội tiết tố nam tăng cao đã khiến cơ thể của bệnh nhân thiên về giới tính nam, âm vật phì đại như dương vật dù nhiễm sắc thể vẫn là nữ. Bệnh nhân hoàn toàn không có chu kỳ kinh nguyệt, ngực cũng giống đàn ông.
Dù nhận kết quả nhiễm sắc thể nữ, tuy nhiên người bệnh cho biết, giấy khai sinh là nam, mọi người đều coi anh là con trai và bản thân anh cũng nghĩ "mình là đàn ông" nên mong muốn các bác sĩ điều trị trở thành con trai hoàn toàn.
Bác sĩ Dũng cho biết, việc chỉnh hình dương vật cho bệnh nhân đã được tiến hành. Sau phẫu thuật, người bệnh cũng sẽ được bổ sung nội tiết tố nam, tuy nhiên anh này vẫn không có khả năng làm bố bởi không có tinh hoàn để sinh tinh trùng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nam học, hệ sinh dục của người gồm các tuyến sinh dục, đường sinh dục và các bộ phận sinh dục ngoài. Khi bộ phận sinh dục ngoài không rõ ràng được gọi là tình trạng lưỡng tính.
Lưỡng tính giả ở nữ là trường hợp có buồng trứng nhưng do tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hoóc môn nam nên bộ phận sinh dục ngoài bị nam hóa, như âm vật phì đại, 2 môi lớn to và dính nhau như bìu. Trường hợp nam hóa nặng có thể tạo nên đoạn niệu đạo - âm vật giống như người nam có tinh hoàn ẩn.
Ngược lại, lưỡng tính giả ở nam là người có bộ nhiễm sắc thể vẫn là 46 XY của đàn ông nhưng bộ phận sinh dục lại giống nữ. Nguyên nhân là hoóc môn nam testosteron và MIS - một chất cần cho sự phát triển giới tính nam - không được tiết ra đủ.
Hiện nay Việt Nam đã có 3 bệnh viện được chỉnh sửa và xác định đúng giới gồm Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức và Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tuy nhiên việc chỉnh sửa và xác định lại giới, theo các bác sĩ cần phải xét nhiều góc độ khác nhau trước khi quyết định có xác định đúng giới tính hay không.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Tấn Sơn, Trưởng Bộ môn Ngoại nhi ĐH Y dược TP HCM, Trưởng khoa Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 ví dụ một phụ nữ nghĩ mình đúng là nữ, đã lấy chồng, đi khám vô sinh mới biết mình mang nhiễm sắc thể nam mà bác sĩ cứ khăng khăng bảo là nam rồi bảo họ xác định lại giới thì họ cũng khó có thể chấp. Ngược lại, một trường hợp nhiễm sắc thể nữ như bệnh nhân trên, nhưng nhiều năm nay cho rằng mình là nam, bộ phận sinh dục ngoài cũng giống nam, thì chuyện xác định giới tính nữ căn cứ theo nhiễm sắc thể cũng là điều không dễ.
"Với những trường hợp này, bác sĩ nên giải thích thật khéo và tôn trọng bệnh nhân để không ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Việc lập lại giới tính đúng như nhiễm sắc thể của họ lúc này không cần thiết. Điều quan trọng là để họ có được chất lượng sống với cộng đồng tốt nhất", tiến sĩ Sơn nói.
Phương Nghi
* Tên bệnh nhân được thay đổi.