Các nhà khoa học đã quan sát được hành vi của những con hải cẩu
khi theo dõi cuộc sống hoang dã trên đảo Marion ở Ấn Độ Dương.
Ảnh: Daily Mail
Trong ít nhất 4 thời điểm khác nhau, các con hải cẩu đã bị bắt quả tang cưỡng ép những con chim nằm rạp xuống đất và cố gắng giao phối với chúng. Sau 3 trong số những sự cố này, lũ hải cẩu đã thả các con chim cánh cụt đi. Tuy nhiên, trong một vụ tấn công, sau khi "thỏa mãn", "thủ phạm" cưỡng dâm đã giết hại rồi ăn thịt chim cánh cụt.
Các nhà khoa học đến từ Đại học Pretoria (Nam Phi) đã quan sát được "tội ác" của những con hải cẩu khi thường xuyên theo dõi cuộc sống hoang dã trên đảo Marion ở Ấn Độ Dương, để tìm kiếm các hành vi kỳ lạ, hiếm gặp.
Mặc dù việc hải cẩu cưỡng dâm chim cánh cụt từng được phát hiện một lần trước đó vào năm 2006, nhưng chuỗi sự cố mới ám chỉ, hành vi này đang ngày càng trở nên phổ biến.
"Thành thực mà nói, tôi đã không hy vọng những điều tượng tự như sự cố năm 2006 sẽ lặp lại một lần nữa, và chắc chắn không muốn nó xảy ra ở nhiều lần khác nhau", chuyên gia Nico de Bruyn đến từ Viện nghiên cứu động vật có vú thuốc Đại học Pretoria, nói.
Trong ít nhất 4 thời điểm khác nhau, các con hải cẩu đã bị bắt quả tang
cưỡng bức chim cánh cụt. Ảnh: Daily Mail
Cả 4 sự cố được ghi nhận đều cho thấy, những con hải cẩu đuổi bắt và cưỡi lên người chim cánh cụt. Các động vật có vú to lớn sau đó cố gắng giao phối khoảng 2,5 - 6 phút mỗi lần, rồi nghỉ ngơi đôi chút và lại tìm cách cưỡng bức con mồi.
Tất cả các "thủ phạm" đều là hải cẩu đực, trong khi giới tính của chim cánh cụt vẫn chưa được xác định rõ.
Các chuyên gia nhận định, đây có thể là một hành vi học lỏm được, vì các sự cố do các con hải cẩu khác nhau thực hiện. Những vụ cưỡng bức như thế này có thể sẽ tái diễn, nhưng hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao lũ hải cẩu bắt đầu có hành vi như vậy.
"Việc xác định các động cơ của hành vi bất thường như trên hiện gần như bất khả thi. Tuy nhiên, chúng tôi đã phỏng đoán những điều rốt cuộc có thể dẫn đến sự cưỡng bức tình dục của các cá thể thuộc những loài vô cùng khác biệt này", trích tuyên bố của nhóm nghiên cứu.
Một con hải cẩu lông lá đã cưỡng ép và cố gắng giao phối với một
con chim cánh cụt hoàng đế. Ảnh: Daily Mail
Chẳng hạn như, chuyên gia De Bruyn từng cho rằng, sự cưỡng ép tình dục là kết quả của hành vi cướp bóc chim cánh cụt bị biến tướng của hải cẩu. Dẫu vậy, khi xảy ra vụ cưỡng dâm năm 2011, trong đó hải cẩu đã giết hại chim cánh cụt, ông De Bruyn thừa nhận, khả năng này không đáng tin cậy. Ông do đó tin rằng, hành vi có thể do học hỏi.
Các nhà nghiên cứu cũng phỏng đoán rằng, lũ hải cẩu có thể thiếu kinh nghiệm tình dục hoặc tuyệt vọng hay có hành động hiếu chiến khi cưỡng bức chim cánh cụt. Chúng cũng có thể gặp khó khăn trong việc nhận diện bạn tình là hải cẩu cái.