Người Miêu sừng dài là tộc người thiểu số với dân số gần 5.098 người, sống tại làng Suojia, thành phố Liupanshui, Quý Châu, Trung Quốc.
Tộc người Miêu sừng dài được thế giới biết đến với nét văn hóa riêng biệt độc đáo không pha trộn với bất kỳ tộc người khác nào trên thế giới.
Bạn dễ dàng nhận ra tộc người này thông qua trang phục và đặc biệt là chiếc mũ hình cặp sừng bò trên đầu khi tham gia các lễ hội hay những ngày trọng đại trong năm của họ.
Đã bao đời nay người phụ nữ trong gia đình từ đời cụ, kỵ, bà, mẹ... đều làm một việc quan trọng, đó là gom nhặt những sợi tóc rụng của mình để tạo thành một chiếc mũ đặc biệt.
Người Miêu sừng dài dùng khoảng 3-5kg tóc kết hợp với sợi bông
có màu đen để tạo thành chiếc mũ kỳ lạ này.
Chiếc mũ tựa như một cặp sừng to được những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình giữ gìn, chăm chút và nó ngày càng đồ sộ theo thời gian vì lượng tóc được tích thêm.
Chiếc mũ trở thành vật gia truyền từ đời này sang đời khác, đến hàng trăm năm. Chiếc mũ được trao lại khi con, cháu gái của gia đình đó đi lấy chồng.
Trước kia, đàn ông của tộc người này cũng có chiếc mũ như vậy. Tuy nhiên, hiện họ không còn giữ phong tục này nữa.
Theo truyền thuyết, người Miêu coi con bò là vật linh của họ. Để thể hiện lòng tôn kính với loài vật này người Miêu đã tạo cho mình chiếc mũ có hình cặp sừng để hy vọng có được sức mạnh như loài vật này.
Việc giữ gìn và dùng tóc của tổ tiên để lại cũng là cách họ tưởng nhớ và thể hiện lòng tôn kính về những người đã khuất.
Người Miêu tự hào rằng, họ chủ động được giới tính con cái của họ một cách dễ dàng. Họ chi rằng, chỉ cần uống một loài thuốc mật truyền sau khi giao hợp là đứa con thứ 2 của họ sẽ có giới tính khác với anh, chị chúng.
Phương thuốc này là sự kết hợp của hơn chục thảo dược trong vùng và chỉ được truyền bí mật giữa những người phụ nữ với nhau.