Do tính chất nghề nghiệp hai vợ chồng khác nhau nên nhiệm vụ đưa đón con đi học mỗi ngày thuộc về tôi. Giờ làm việc của cơ quan tôi là 7g30. Nghĩa là mới sáng sớm tôi đã phải chạy đua. Không ít lần tôi thấy xấu hổ khi phòng tổ chức in danh sách đi trễ có tên tôi, dù tôi là người rất ghét sự trễ giờ. Tôi đi trễ chỉ một lý do: cho con mình ngủ thêm tí nữa trước đó.
Về mặt lý thuyết, giờ làm việc của tôi là năm ngày trong tuần. Nhưng thực tế, thường xuyên có những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, tôi vẫn phải vào cơ quan vì nhiều phát sinh: họp, cập nhật văn bản mới, làm báo cáo… Từ khi bước vào cho đến khi ra khỏi cơ quan, tôi chỉ có làm việc. Nhiều hôm tôi đã bỏ luôn cả giờ nghỉ trưa để tranh thủ làm. Nhưng đó mới chỉ là phần công việc ở cấp của tôi. Theo quy trình còn phải qua thêm nhiều cấp rà soát và hồi hộp nhất là cấp phê duyệt cuối cùng.
Thời gian vô chừng, có khi đến tận 8g tối mới xong. Mỗi ngày khi kim đồng hồ chỉ đến 5g là tôi bắt đầu lo sợ. Sợ không kịp đón con vì trường con chỉ nhận giữ đến 6g. Thỉnh thoảng tôi phải nhờ đồng nghiệp giải quyết công việc thay mình sau 5g, nhưng không lẽ ngày nào cũng nhờ họ? Còn nếu bắt buộc phải ở lại xử lý cho xong việc, có khi đến trường, tôi chỉ thấy còn bảo vệ và con.
Tôi cứ bị ám ảnh bởi ánh mắt buồn hiu của con tôi những lúc đó. Hôm nào công việc suôn sẻ thì dừng lại ở việc về đúng giờ hoặc trễ giờ. Hôm nào công việc ách tắc, không đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, tôi “vinh dự” được nghe nhiều lời ca không dễ chịu tí nào từ nhiều phía: khách hàng, quản lý trực tiếp, quản lý gián tiếp.
Tan sở và đón con xong, về nhà tôi phải thực hiện thiên chức làm vợ và làm mẹ. Lo bữa ăn tối cho cả nhà, hướng dẫn con học. Tôi mua cái thẻ tập thể dục một năm nhưng một tháng tôi đến phòng tập được nhiều nhất là hai ngày vì không sắp xếp được thời gian. Cứ như vậy, ngày qua ngày, nhiều áp lực bủa vây trong khi cơ thể không được giải phóng, tâm lý không được thoải mái khiến người tôi luôn trong trạng thái mệt mỏi, sụt cân và bắt đầu hay quên. Không ít lần tôi chạy xe ngoài đường mà hai hàng nước mắt chảy dài với câu hỏi: “Không lẽ mình cứ như thế này mãi sao?”.
Cho đến một ngày, tôi nghe tin bạn mình đang làm việc thì đột ngột bất tỉnh. Hơn 20 ngày hôn mê sâu, bạn tôi mất với lý do: Vỡ mạch máu não. Nhìn cảnh vợ bạn vai run bần bật nức nở cùng hai đứa con trai còn quá nhỏ, tôi không cầm được nước mắt. Vài ngày sau tôi lại nhận được tin nhắn ngắn gọn từ một người bạn: “Tao đi nha. Mày ở lại mạnh khỏe”. Bạn tôi chào tôi để đi thi hành án. Bạn học chung lớp đại học, làm chung cơ quan với tôi. Trong một tháng chứng kiến nhiều sự việc đau lòng như vậy, tôi nhìn lại tình cảnh của mình và quyết định…
Ngày tôi nộp đơn xin nghỉ việc tại một nơi tôi đã làm hơn 10 năm từ khi còn chưa ra trường, một nơi mà hiện rất nhiều bạn trẻ muốn vào, nhiều người đã gọi điện, nhắn tin cho tôi. “Em suy nghĩ kỹ chưa? Tiếc lắm em, dù gì cũng đã hơn 10 năm? Nghỉ rồi em làm gì? Em ơi em rút đơn lại đi, qua bộ phận khác làm với anh”… Tôi đã tạo một file word lưu lại tất cả những lời nhận xét, nhắn nhủ và cả động viên từ đồng nghiệp cũ dành cho mình khi tôi chào họ ra đi. Nếu còn trẻ, tôi sẵn sàng tiếp tục. Cảm ơn mọi người đã dành nhiều tình cảm cho tôi trong thời gian làm việc cùng nhau.
“Chỉ có không khí và tình yêu thương của cha mẹ dành cho con là miễn phí. Còn lại tất cả đều phải lao động mới có”. Tôi cho mình một tuần để nghỉ ngơi và không quên lên kế hoạch cho những ngày sắp tới. Hai ngày liền đón con sớm hơn bình thường, con thắc mắc: “Sao hai hôm nay mẹ đón con sớm vậy? Ngày nào mẹ cũng đón con sớm được không mẹ?”.
Nghe mà thương! Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành tài chính, tôi đang làm tư vấn theo dự án cho một công ty cùng ngành. Thu nhập tuy ít hơn trước nhưng thời gian làm việc linh hoạt hơn. Tôi đăng ký học thêm khóa Anh văn giao tiếp vì nhiều năm rồi tôi nào có được học hành. Con gái tôi sắp vào lớp 1, tôi xác định sẽ cho con học trường công. Tôi nghiên cứu, tìm tòi cách chế biến vài món ăn nhanh và đủ chất cho bữa sáng của con tôi vì trường công không tổ chức ăn sáng. Và quan trọng nhất, tôi còn phải giữ sức khỏe để sinh thêm em cho con tôi...
Trong cuốn Sống và khát vọng của Trần Đăng Khoa có một ý thế này: “Việc bạn đã sinh ra như thế nào, trong hoàn cảnh ra sao, không quan trọng bằng việc bạn đã sống như thế nào. Việc bạn đã sống bao nhiêu năm và sẽ còn sống thêm bao nhiêu năm nữa, không quan trọng bằng việc mỗi năm bạn sống ra sao”. Ngày tôi nộp đơn xin nghỉ việc là ngày tôi thấy hạnh phúc vì tôi đã đấu tranh được với chính mình để quyết tâm mở ra trang sách mới cho mình. Vì thương con và thương thân mình, tôi đã làm được và hiện giờ tôi vẫn ổn.
phunuonline.