Đủ loại
Ngoài các loại dầu kể trên, còn có dầu mù u, dầu hướng dương, dầu jojoba, dầu hạnh nhân… là dầu dẫn (dầu nền), khác với tinh dầu nguyên chất đậm đặc, như: tinh dầu chanh sả, oải hương, trà xanh, hoa bưởi, bạc hà. Nhân viên tư vấn của một nhãn hiệu dầu thiên nhiên cho biết: “Tinh dầu không được bôi trực tiếp trên da vì sẽ làm da bỏng, rát. Để da hấp thụ thành phần của tinh dầu nguyên chất, cần pha với dầu dẫn”.
Giá các loại dầu dẫn dao động từ 70.000 – 205.000 đồng/lọ 100ml. Nhiều chị em đã lạm dụng dầu để làm đẹp. Ngay cả một số spa, tiệm tóc cũng sử dụng dầu để massage cho khách mà không hiểu rõ tính năng của từng loại có phù hợp với người sử dụng hay không. Chị Kim Vân (ngụ Q.5, TP.HCM), kể: “Nhân viên tiệm gội đầu dùng loại dầu ô liu nấu ăn để massage mặt cho tôi và cho biết da sẽ mềm mại, ẩm. Sau một ngày massage, mặt tôi bắt đầu nổi mụn, cảm giác độ nhờn khó chịu. Tôi tìm hiểu mới biết, dầu ô liu dùng để chăm sóc da mặt là loại chuyên biệt chứ không phải loại dùng nấu ăn”.
Nhiều loại dầu được quảng cáo có công dụng từ dưỡng da, tóc đến trị mụn, nám, chàm, tàn nhang. Một số loại được khuyên phải dùng trong thời gian dài, như: dầu hạt nho bôi lên mặt để qua đêm thay kem dưỡng; hay, dầu vừng xoa lên da đầu để ngăn chứng rụng tóc, thực hiện trước khi đi ngủ và để qua đêm, trong nhiều ngày liên tục… Nhiều người thắc mắc, không biết loại dầu nào có thể dùng pha trộn đắp mặt nạ, loại nào dùng bôi trực tiếp trên da, nhưng lại ít quan tâm xem dầu có hợp với loại da của mình hay không và liều lượng, thời gian dùng như thế nào mới hợp lý. Bên cạnh đó, chất lượng tinh khiết của dầu cũng là yếu tố có thể gây các tác dụng phụ không mong muốn cho da.
Dùng sao cho đúng?
BS Ngô Thị Thu Cúc, chuyên khoa da liễu, Trung tâm thẩm mỹ Venus, cho biết: các loại dầu dừa, dầu ô liu, dầu cám gạo, dầu hạt vừng, dầu nho… đều là dầu dẫn có tác dụng giữ ẩm da, dưỡng mềm da nhưng phải là dầu tinh khiết (không pha trộn thêm nước, chất bảo quản), có nguồn gốc rõ ràng. Chị em nên tự chưng cất dầu dẫn để đảm bảo độ nguyên chất, tinh khiết. Thực tế, dầu dẫn bán trên thị trường phần lớn không nguyên chất. Thông thường, dầu dẫn phù hợp với da khô, da thường, da hỗn hợp và hạn chế dùng cho da nhờn, da nhạy cảm vì dễ kích thích tuyến nhờn, gây mụn. Với da mẫn cảm, sử dụng dầu dẫn bôi trực tiếp lên da trong thời gian dài có thể dẫn đến dị ứng, sinh mụn; nặng hơn là bong tróc da từng mảng.
Dùng dầu dẫn để massage giúp lớp sừng chết trên da dễ bong tróc, da mềm, mịn màng hơn, sáng hơn; không bị thô ráp, xỉn màu. Tuy nhiên, chỉ nên dùng dầu (dầu dừa, dầu vừng) chăm sóc da một-hai lần/tuần. Riêng dầu ô liu thường được dùng chủ yếu chăm sóc chân, tay; hạn chế dùng cho da mặt. Nếu dùng dầu ô liu, không nên massage trực tiếp, mà pha với bột yến mạch, bột trà xanh… làm mặt nạ đắp để dưỡng ẩm, làm mịn da.
Dầu dừa được dùng phổ biến cho da mặt, tóc. Khi massage mặt, cần lượng vừa phải, một-hai muỗng cà phê và chỉ massage trong vòng 15 phút rồi rửa sạch với nước ấm. Massage thời gian dài có nguy cơ gây bít lỗ chân lông, sinh mụn. Có thể dùng dầu dừa dưỡng ẩm cơ thể, nhưng sau khi bôi, để 10 – 15 phút phải tắm sạch. Dùng cho tóc thì hạn chế bôi dầu dừa trực tiếp vào chân tóc vì ẩm, dễ gây nấm, ngứa nếu không gội kỹ; nên bôi dầu dừa ở thân, đuôi tóc từ tai trở xuống để tóc mềm mượt, không khô xơ, chẻ ngọn.
Khi pha trộn dầu dẫn với các loại bột đậu đỏ, cám gạo (dưỡng da), yến mạch, trà xanh, bạc hà, nghệ (dưỡng mặt vì độ mịn hơn), cần lưu ý, chỉ cho khoảng một-hai muỗng cà phê dầu dẫn. Cần rửa sạch mặt, lau khô và đắp mặt nạ không quá 15 phút. Chỉ nên đắp mặt nạ một-hai lần/tuần để da có thời gian tái tạo và khôi phục. Đắp mặt nạ quá nhiều lần trong tuần sẽ làm da dễ bắt nắng, mất đi lớp bảo vệ.
Một số nơi quảng cáo nhiều loại dầu thiên nhiên có thể ngừa mụn, chống lão hóa; trị nám, chàm, vết thâm, vảy nến như: dầu mù u kết hợp tinh dầu nghệ trị vảy nến, vết chàm, vết thâm, nám trên da; ngăn ngừa mụn cám, mụn bọc; chống nhờn da. Ngoài ra, hỗn hợp trên còn có thể trị nấm da, mẩn ngứa, eczema khi bôi trực tiếp lên những vùng da bị nấm, ngứa… Theo BS Cúc, tác dụng của dầu mù u và bột nghệ đã được nghiên cứu, chứng minh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, cần điều trị lâu dài; đặc biệt, không được bôi lên vết thương hở vì dễ làm da bị nhiễm trùng, tình trạng bệnh nặng hơn, khó điều trị.
Theo PNO