Lông mọc trên mặt
Đây là “nỗi niềm” không biết tỏ cùng ai của phái nữ. Khi lông tóc mọc ngoài tầm kiểm soát như ở giữa 2 lông mày, ở cằm, thậm chí cả ở mặt, nhiều phụ nữ thường tôtr ra bối rối. . Hầu hết các trường hợp lông tóc mọc vô tổ chức như vậy đều vô hại đối với sức khỏe của bạn, nó là loại bệnh do tiền sử gia đình. Với lông tóc mọc ở môi hoặc cằm, có thể dùng kem rụng lông cho mặt, lâu dài hơn có thể sử dụng các biện pháp triệt lông bằng laser hoặc điện.
Mảng ửng đỏ trên da
Khi bối rối hoặc xấu hổ, mọi người thường ửng đỏ trên da, điều đó hoàn toàn bình thường. Nhưng khi một phụ nữ lúc nào cũng xuất hiện các mảng ửng đỏ trên cằm, trán, má, đó là bệnh rosacea – chúng là những ban đỏ ở vùng mặt, kèm theo sẩn, mụn , có thể bỏng rát. Nhiều người thường nhầm lẫn căn bệnh này với mụn trứng cá. Điều trị rosacea có thể bằng phương pháp bào da bằng CO2…. Do rosacea có nhiều thể khác nhau, bạn cần đến bác sĩ da liễu để tìm phương pháp điều trị tốt nhất cho căn bệnh này.
Tóc chuyển màu trắng
Nếu dưới 40 tuổi mà phụ nữ tóc đã bạc một nửa chứng tỏ bạn đã bị mắc chứng “bạc tóc sớm”. Đây cũng là một trong những dấu hiệu của rối loạn tuyến giáp, nhưng rất hiếm gặp, hoặc tóc bị mất sắc tố. Cách đơn giản nhất có thể là nhuộm tóc, một số loại dầu gội đầu cũng có tác dụng làm tóc đen trở lại, nhưng không lâu dài.
Xuất hiện mụn ở mông
Đây là một sự thật không phải ai cũng tiết lộ. Các loại mụn trắng, đỏ, mụn dày sừng xuất hiện ở những vị trí như lưng, má, cánh tay, đùi, mông…. ở trên da trong nhiều năm, thường có xu hướng biến mất khi vào tuổi 30. Điều này hoàn toàn bình thường, và nếu nó không quá nghiêm trọng bạn cũng không cần để ý đến chúng.
Làm sao với chứng rạn da
Những người phụ nữ sau sinh đẻ thường bị rạn da, trông rất xấu. Nguyên nhân là do trong quá trình mang thai, lớp da bụng, đùi, hông, ngực của phụ nữ bị kéo giãn cùng với sự phát triển của thai nhi, nhưng do quá trình đàn hồi kém, khi kết thúc thai nghén, hình thành các vết rạn trên da. Lúc đầu nó thường có màu đỏ, hoặc tím, sau mất dần trở thành màu trắng giống như những đường rạch. Các loại kem quảng cáo xóa vết rạn thường không có tác dụng, cách điều trị duy nhất để xóa đi vết rạn do sinh nở là phẫu thuật bằng laser.
Hơi thở có mùi
Nhiều người thắc mắc, tại sao tôi đánh răng 2 lần mỗi ngày mà hơi thở vẫn có mùi khó chịu. Đó là do bệnh nướu răng, chứng ợ nóng, khô miệng hoặc một nhiễm trùng xoang cũng có thể là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi. Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đến hơi thở, các loại thực phẩm như hành, tỏi thường tạo ra mùi khó chịu. Nếu loại trừ các nguyên nhân ở trên mà hơi thở của bạn vẫn có mùi hãy đến bác sĩ để tìm nguyên nhân.
Sần sùi vùng da dưới cánh tay
Vùng da dưới cánh tay rất nhạy, khi nhổ thường xuyên sẽ làm lớp da này sần lên rất khó coi. Cách tốt nhất để xử lý là hãy cạo bằng dao cạo râu trong khi tắm nước nóng sẽ khắc phục được lỗi này. Nếu có điều kiện hãy đến các trung tâm thẩm mỹ sử dụng phương pháp tẩy lông bằng laser cũng cho kết quả tốt.
Răng xỉn màu
Một số nguyên nhân có thể làm răng của bạn trở nên đổi màu xấu xí là do cà phê, trà, nước ngọt, rượu vang đỏ, hay thói quen hút thuốc lá. Hiện nay có một số loại kem được chứng nhận nha khoa có thể làm trắng răng, sử dụng những kem này để cải thiện màu sắc của răng cũng là một giải pháp tốt.
Gót chân chai sần
Vào mùa đông, gót chân của phái nữ thường bị chai cứng trước áp lực của việc đi lại và thời tiết. Để bảo vệ đôi bàn chân bạn cần ngâm vào nước muối nóng, sau đó chà xát gót chân bằng đá bọt để loại bỏ các lớp da chết, sử dụng kem làm mềm gót chân cũng cho hiệu quả như ý.
Móng tay giòn dễ gãy
Nếu các lớp ở móng tay trở nên giòn, có thể bong ra từng lớp, đó là do tác động của các loại hóa chất mà bạn đang sử dụng hoặc do các bệnh nhiễm trùng móng. Nên nhớ đeo găng tay khi tiếp xúc với hóa chất, dùng kem dưỡng ẩm cho móng và chữa bệnh nấm móng…
Mồ hôi ra nhiều
Nếu bạn đang ở một nơi mát mẻ mà mồ hôi vẫn túa ra, đó là do bạn mắc chứng tăng tiết mồ hôi. Mặc dù căn bệnh này vô hại nhưng gây khó chịu bởi nó gây ra chứng ẩm ướt ở dưới cánh tay, lòng bàn tay, chân của bạn. Nếu không may mắc phải căn bệnh này cần phải được điều trị y khoa.
Rụng tóc
Theo thống kê có tới 40% phụ nữ bị rụng tóc, nguyên nhân phổ biến nhất là do gặp vấn đề của hormon tuyến giáp, người đang mang thai hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Bàn chân bốc mùi
Mặc dù bạn đã tắm và vệ sinh cơ thể thường xuyên nhưng bàn chân bạn vẫn có mùi khó chịu. Đó là do chân là nơi tập trung nhiều các loại vi khuẩn, khi bị ra mồ hôi, vi khuẩn trộn lẫn với mồ hôi tạo nên mùi hôi. Lời khuyên cho bạn là cần hạn chế tối đa việc ra mồ hôi ở chân, thay tất, vệ sinh giầy thường xuyên hoặc dùng chất khử mùi môi.
Đôi môi nứt nẻ
Hiện tượng này thường gặp trong mùa đông khi độ ẩm trong không khí thấp. Một số thói quen như liếm môi hoặc bóc da bong tróc làm nặng thêm tình trạng nứt nẻ. Thay vào đó bạn nên sử dụng son dưỡng môi hoặc các loại dầu làm tăng độ ẩm cho môi.
Làn da như mạng nhện
Nếu là người có công việc thường xuyên phải đứng hoặc đi lại bạn có nguy cơ cao bị mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, khiến chân nổi lên nhiều vết lằn chằng chịt như mạng nhện. Nếu điều này xảy ra hãy đến bác sĩ để được điều trị, có một số loại tất dành cho những người mắc bệnh này giúp cải thiện tình hình.
Cục thịt thừa
Nhiều người than phiền về các cục thịt thừa thường mọc ở cổ, ngực, lưng, nách, đùi, vùng háng gây mất thẩm mỹ. Tuy nhiên vấn đề này hay gặp ở người già nhiều hơn. Nếu sự xuất hiện của chúng gây khó chịu cho bạn hãy tìm đến các bác sĩ thẩm mỹ để loại bỏ chúng.
Nhăn da cổ
Một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đang già đi là vùng da cổ xuất hiện các nếp nhăn, bởi đây là khu vực làn da mỏng, lượng collagen được bồi phụ thấp, ít được chăm sóc nhất. Muốn làm chậm quá trình lão hóa của da cổ hãy tránh ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng cho vùng da này.
Theo Sức khỏe đời sống