|
Khi đi đường xa, xe hoa nên được trang trí bằng những loại hoa giả hay gấu bông, bóng bay để tránh hoa bị héo, gẫy, không đẹp. Ảnh: Pretty Bride. |
Thời điểm đón dâu là thời khắc quan trọng đánh dấu việc bạn hai bạn chính thức trở thành vợ chồng. Tuy nhiên đối với các cặp đôi ở cách xa nhau về địa lý thì việc di chuyển cả một quãng đường dài sẽ khiến cả hai cảm thấy mệt mỏi và sẽ gặp không ít khó khăn. Để tránh được những trở ngại trên đường, bạn nên lưu ý những kinh nghiệm sau đây:
1. Xe hoa:
- Nếu gia đình bạn có xe riêng, bạn cần đầu tư bảo dưỡng, kiểm tra kỹ càng xe trước ngày đón dâu khoảng một tuần.
Nếu phải đi thuê xe hoa, bạn nên thỏa thuận kỹ càng với chủ dịch vụ về quãng đường, thời gian di chuyển để họ sắp xếp chiếc xe phù hợp, chất lượng tốt nhất. Chú rể nên tự tay kiểm tra những bộ phận cơ bản của xe như lốp, gương, nội thất và lưu ý chủ xe bơm lốp để đảm bảo an toàn.
- Để tránh tình trạng xe đón dâu xảy ra sự cố dọc đường bạn nên chuẩn bị thêm một chiếc xe dự phòng đi theo đoàn.
- Bạn có thể tham khảo dịch vụ cho thuê xe ở Hà Nội tại một số địa chỉ như Công ty Du lịch Đông A (Số 8, ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh), Công ty Bắc Á (Số 343 Đội Cấn).
- Giá thuê xe hoa từ 1 triệu đồng trở lên, tùy thuộc từng loại xe khác nhau. Nhiều người khuyên rằng bạn không nên tiếc tiền, thuê xe quá rẻ bởi “tiền nào của nấy”, bỏ tiền tương xứng với chất lượng dịch vụ là điều nên làm.
2. Trang trí xe hoa
- Bạn nên dùng hoa giả để trang trí bởi gió bụi đường trường sẽ làm hỏng, nát hoa tươi. Tại Hàng Vải, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàm Long có nhiều mẫu hoa cho bạn lựa chọn, giá cả từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng.
- Ngoài ra, bạn có thể trang trí xe hoa đơn giản bằng nơ và bóng bay hoặc bạn có thể trang trí một cụm hoa lớn nhất trên mui xe, phần còn lại để trong cốp xe, khi đến nhà gái bạn dán lại cũng nhanh chóng và không bị gãy rụng.
- Ngoài ra, nếu bạn vẫn muốn làm đẹp xe hoa bằng hoa tươi bạn cần dùng túi nilon lớn, bọc toàn bộ phần hoa tươi lại, đến gần nhà gái mới bỏ nilon bảo vệ ra. Kinh nghiệm trang trí bằng hoa tươi là bạn nên dùng các loại hoa cánh dày, độ bền cao như hoa lan, hoa ly, nên tránh các loại hoa cánh mỏng như lan tường, hồng vì các loại này thường dễ dập nát và bị thâm đen cánh hoa.
3. Đảm bảo việc ăn uống dọc đường
- Gia đình hai bên nên chủ động chuẩn bị đồ ăn cho khách mời, họ hàng thân thiết của gia đình. Nên chọn những đồ ăn nhanh, đơn giản và phù hợp với đa số khẩu vị của mọi người như bánh mỳ, xôi, cơm nắm ăn kèm giò chả, ruốc, đồ hộp, nước ngọt, nước suối…
- Nếu chặng đường quá xa, đoàn đón dâu nên có chặng dừng nghỉ để đảm bảo cô dâu chú rể không bị mệt. Thông thường, cách thời gian dừng đỗ nên cách nhau từ một tiếng đến một tiếng rưỡi.
4. Cô dâu
- Do phải dậy sớm để trang điểm và chuẩn bị đi đường xa nên từ tối hôm trước bạn cần chuẩn bị toàn bộ vật dụng cá nhân mang theo và nghỉ ngơi sớm hơn bình thường.
- Bạn nên chọn một người bạn gái, họ hàng thân thiết để làm “phụ tá” cho bạn. Bạn nên trao gửi những vật dụng quan trọng cho người đó và phải có sự trao đổi kỹ lưỡng với người bạn “chọn mặt gửi vàng” để họ biết được bạn mang theo những vật dụng gì và bạn sắp xếp chúng ở đâu, để khi cần, họ có thể tìm giúp bạn nhanh chóng.
- Bạn nên ăn sáng nhẹ nhàng, không nên ăn no, tránh cảm giác khó chịu hay đầy bụng khi di chuyển trên xe. Nên trang bị thêm thuốc chống say và uống trước khi lên đường 30 phút.
- Chi phí cho một chuyên gia trang điểm đi kèm khá cao dao động khoảng 700.000 đồng – 1 triệu đồng nên để tiết kiệm, bạn có thể nhờ một người bạn đi cùng để giúp bạn chỉnh trang nhan sắc khi về tới nhà chồng.
Chuyên gia trang điểm khuyên rằng bạn nên có sẵn giấy thầm dầu để lau sạch mặt trước khi trang điểm lại. Nếu son mỗi bị lem ra ngoài, bạn dùng tăm bông chùi sạch vết lem rồi dùng phấn phủ đánh lại viền môi vừa lau, ngoài ra, son bóng dễ chảy ra ngoài viền môi nên bạn chỉ cần dùng lượng vừa đủ.
5. Một số quan niệm tham khảo khi di chuyển trên đường đón dâu:
- Lúc nhà trai đón dâu và rời cổng nhà gái, cô dâu phải đi thẳng về phái trước, tuyệt đối không được ngoảnh đầu nhìn lại.
- Nếu nhà trai đến đón dâu một đường thì khi về phải đi đường khác.
- Nhiều gia đình còn có phong tục, cô dâu phải lấy nón che mặt khi gặp đám cưới khác, rải tiền lẻ khi qua sông, qua đò… Tuy nhiên quan niệm về các điều kiêng kỵ mỗi vùng mỗi miền khác nhau và cũng tùy người áp dụng theo các kiểu khác nhau nên để đám cưới được trọn vẹn thì trước ngày tổ chức hôn lễ bạn nên tìm hiểu, trao đổi giữa hai bên gia đình để thống nhất cách thức tiến hành.
Linh Nhi