Chiếc nhẫn cưới, theo cách nghĩ đơn giản, sẽ chỉ là một món đồ trang sức không thể thiếu cho mỗi đám cưới; nhưng hiếm ai biết rằng có cả một kho lịch sử đằng sau biểu tượng thể hiện cho sự ràng buộc của hôn nhân ấy. Ngày nay có nhiều người đo tình yêu bằng sức nặng của kim cương, cũng có những người lại nghĩ cần gì nhẫn nhiếc lằng nhằng, tấm lòng là chính, nhưng nếu bạn biết hết được ý nghĩa của chiếc nhẫn, có lẽ bạn sẽ nghĩ khác.
Từ thời La mã cổ xưa cho đến tận bây giờ, có ba chiếc nhẫn mang ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc đời một người phụ nữ (theo phương Tây): engagement ring (nhẫn đính hôn), wedding ring (nhẫn cưới) và eternity ring (nhẫn vĩnh cửu). Văn hóa này cũng đang dần dần du nhập vào các nước phương Đông, mà theo tôi nghĩ là tốt chứ không phải bắt chước học đòi, đó là “quyền lợi” người phụ nữ nên được hưởng từ phía người khác phái khi mà khái niệm trọng nam khinh nữ đã dần được xóa bỏ.
Chiếc nhẫn đính hôn là món đồ trang sức mà người con trai tặng cho người con gái mình yêu khi anh ta cảm thấy muốn gắn bó trọn đời với cô gái đó. Nếu cô gái đồng ý đeo nhẫn có nghĩa là đồng ý gắn bó cuộc đời mình với người con trai kia. Đồng thời đó cũng là một thử thách đầu tiên đối với cả hai người, vì chiếc nhẫn không đơn thuần chỉ là một món quà tặng, mà nó còn là biểu hiện của tình yêu, sự ràng buộc, lòng trung thành, sự trung thực, tin tưởng lẫn nhau và quyết tâm gắn bó.
|
Nhẫn cưới thường trơn tròn, không đính kim cương. Ảnh: IM. |
Chiếc nhẫn đính hôn hình tròn không có điểm đầu, không có điểm cuối, không có sự đứt đoạn thể hiện một mối quan hệ bền vững. Thường nhẫn đính hôn làm bằng vàng trắng hoặc platinum, với một hạt đá hoặc kim cương duy nhất để thể hiện sự vĩnh hằng và duy nhất của tình yêu mà hai người sẽ dành cho nhau. Cũng như nhẫn cưới, cô gái đeo nhẫn đính hôn ở ngón đeo nhẫn (ngón thứ tư) tay trái, vì nghe truyền rằng, ngón thứ tư tay trái có một đường mạch máu chạy thẳng lên tim.
Nếu như nhẫn đính hôn chỉ có một chiếc dành cho cô gái, thì nhẫn cưới lại là một cặp, thường là giống nhau. Ý nghĩa về sự gắn bó của cặp nhẫn cưới cũng tương tự, nhưng lên tới một mức độ nghiêm túc hơn, đó là trách nhiệm và để khẳng định chính thức họ là vợ chồng. Mỗi khi nhìn vào chiếc nhẫn, họ biết mình sẽ phải có trách nhiệm đối với người vợ hoặc chồng của mình, kể cả lúc vui hay buồn, lúc đầy đủ hay khó khăn… Cặp nhẫn cưới có thể được khắc tên, ngày cưới hoặc một thông điệp riêng tư nào đó ở mặt trong của cặp nhẫn để thể hiện những điều thầm kín mà khi nhìn vào, họ sẽ ngay lập tức nhớ đến nhau.
Một chiếc nhẫn nữa mà có lẽ ít ai để ý, đó chính là chiếc nhẫn vĩnh cửu (Eternity ring) mà người chồng sẽ tặng vợ sau một thời gian chung sống. Chiếc nhẫn vĩnh cửu có rất nhiều ý nghĩa, và có thể được trao vào nhiều dịp khác nhau (thay cho nhẫn cưới, sau khi sinh đứa con đầu tiên, kỷ niệm ngày cưới, dịp đặc biệt của hai người…) nhưng thường là được người chồng tặng cho vợ vào dịp kỷ niệm đám cưới bạc, vàng, kim cương… Nhẫn vĩnh cửu có ý nghĩa là một vòng tròn của tình yêu và cuộc sống. Cũng với cùng chất liệu như nhẫn đính hôn hay nhẫn cưới, nhưng nhẫn vĩnh cửu thường có một vòng hạt đá hoặc kim cương chạy vòng quanh mặt ngoài của chiếc nhẫn. Vì với vòng hạt kim cương ở ngoài, chiếc nhẫn sẽ không bao giờ có thể bị cắt được (thường nhẫn vĩnh cửu phải làm để vừa tay chứ không thể cắt cho nhỏ lại được do vị trí hạt là cố định, nếu cắt thì sẽ mất hạt), biểu tượng cho một vòng tuần hoàn của tình yêu không gì có thể chia cắt.
Có nhiều người khá mê tín khi toàn bộ nhẫn cưới họ sẽ đặt để làm chứ không bao giờ mua nhẫn làm sẵn rồi đem đi sửa cắt lại cho vừa tay, vì họ cho rằng, cắt chiếc nhẫn nghĩa là tình yêu của họ sẽ không bao giờ được vĩnh hằng.
|
Vợ chồng tôi tốn nhiều thời gian đi chọn nhẫn cưới. Ảnh: Mai Nguyễn. |
Chọn nhẫn cưới có thể rất thú vị nhưng cũng dễ stress vì mất nhiều thời gian. Ở nước ngoài, có khi phải mất đến hai tháng mới có thể đặt được một cặp nhẫn (do họ phải cắt cho hợp với tay mình, đặc biệt nếu mua nhẫn có kim cương thì họ sẽ phải làm mới từ đầu vì thường nhẫn có hạt sẽ rất khó cắt). Nhẫn cưới thường là một cặp vàng trơn, làm bằng vàng hoặc vàng trắng, ngoài ra còn có platinum (đắt hơn vàng) và titanium (rẻ hơn vàng). Vàng đeo một thời gian rất dễ bị xước và phải bảo quản liên tục, platinum thì hầu như không bị, nhưng giá có thể đắt gấp rưỡi hoặc gấp đôi vàng trắng.
Chúng tôi theo số tiền có được thì quyết định chỉ mua vàng trắng 18k, nhưng nhẫn cô dâu thì sẽ có một vòng 9 hạt kim cương nhỏ trên mặt nhẫn (vì tôi sợ đeo nhẫn trơn trông hơi già) để thể hiện nữ tính. Còn Giò thì quyết định chỉ đeo nhẫn trơn không có hạt, thực ra trông cũng sẽ nam tính hơn rất nhiều. Chính vì quyết định đó mà chúng tôi tốn khá nhiều thời gian đi khoảng 20 cửa hàng để chọn một cặp nào đó mà vừa có một chiếc có kim cương và một chiếc trơn, nhưng lại phải thiết kế giống nhau (oái oăm thế!). Một số nơi có thì mất đến 12 tuần để làm form nhẫn (mà 4 tuần nữa là đến đám cưới rồi). Mãi về sau chúng tôi mới tìm được một cặp khá ưng ý tại Leslie Davis (Ernest Jones) trên đường Oxford, London, và cũng chỉ mất có 2 tuần để đặt nhẫn, mừng quá!
Bí quyết để chọn nhẫn cưới là “lắng nghe trái tim mình”, chọn nhẫn cũng như chọn chồng vậy, vì chiếc nhẫn cưới sẽ là vật đeo cả đời, nên dành thời gian, công sức chọn đến khi nào trái tim bạn cảm thấy đây đúng là chiếc mình mong muốn thì hãy mua. Ngoài ra, nếu bạn có nhẫn đính hôn thì nên chọn nhẫn cưới hợp với nhẫn đính hôn vì sẽ đeo cả hai nhẫn cùng một ngón tay thành một cặp. Thông thường tại các cửa hàng, họ cũng sản xuất nhẫn đính hôn và nhẫn cưới thành một cặp. Ví dụ như dưới đây là một cặp nhẫn cưới và đính hôn. Cái nhẫn cưới này giống với nhẫn của tớ (9 hạt, riêng nhẫn đính hôn của tớ thì giống cái trên cùng).
Tiếp đó là nên để chú rể có tiếng nói trong việc chọn nhẫn. Cô dâu chọn cái mình thích, chú rể chọn cái chú rể thích (theo chủ đề chung) thì cả hai sẽ đều hài lòng (tất nhiên là sẽ tốn thời gian công sức hơn là một người quyết định). Ngoài ra, nếu bạn thích kim cương thì cũng nên biết qua các kiểu cắt của kim cương, vì không phải kiểu nào cũng hợp với tay mình. Ví dụ tay tôi ngón nhỏ, đeo kim cương cắt kiểu công chúa thấy rất đẹp, nhưng tay ai hơi to đeo thế trông lại buồn cười, mà có thể cắt vuông góc lại đẹp hơn. Ngoài ra kim cương xịn là kim cương nhìn trong suốt, không có màu ở bất kỳ góc ánh sáng nào, chứ nhìn mà thấy có màu cẩn thận mua phải kim cương giả.