“Em vẫn là dâu mới!”
21-11-2011 12:00:00 AM
(tapchigiadinh) - Tròn 1 tháng em bước về nhà chồng với tư cách làm dâu trưởng. Quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ để em thấm thía câu “dọa” của các chị cùng phòng “làm dâu trưởng khổ lắm!”.
Ngày… tháng…
Ngày đầu tiên về nhà chồng, em tự nhủ phải vào bếp nấu ăn cho cả gia đình, nhà mình đông người, em có hỏi mẹ về sở thích của từng người để nấu nướng cho phù hợp. Nhưng mẹ gạt đi và cười: “Nấu thế nào cũng được con ạ, nhà mình dễ ăn lắm”. Vậy mà, câu đầu tiên em nhận được khi đặt mâm cơm xuống bàn đó là lời trách móc của bố: “Đã bảo tôi dị ứng với canh cua rồi cơ mà, nấu thế này chắc để tôi nhịn bữa à?”. Em tròn mắt nhìn mẹ, miệng lí nhí: “Con xin lỗi, tại con không biết”. Bữa cơm trôi qua trong tiếng thở dài. Phải chi mẹ đừng quá khách sáo với em, phải chi mẹ “khắt khe” với em ngay từ đầu thì có lẽ em đã không khó xử như vậy.Ngày… tháng…Hôm nay nhà mình có giỗ, là dâu trưởng nên em được giao nhiệm vụ đi chợ. Mặc dù không phải là người quá vụng về nhưng sau khi nghe mẹ giao việc “đi chợ làm 3 mâm cỗ” em cũng không tránh khỏi lúng túng. Em hỏi mẹ kỹ càng về các món chính cho mâm cỗ, nhưng mẹ lại gạt phắt: “Tùy con, mâm cỗ đừng quá sơ sài là được”. Em quay sang anh cầu cứu nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu: “Việc chợ búa anh cũng chịu”. Cầm giỏ ra chợ mà lòng em lúng túng, rối bời.
Giá như mẹ chỉ bảo và khắt khe với em ngay từ đầu (Ảnh minh họa).
Ngày… tháng…Nhà mình đông người nhưng chỉ có một cái phòng tắm, em cũng rất ý tứ khi sử dụng vậy mà cũng không thể tránh khỏi phiền hà với nó. Em gái anh, năm nay học lớp 10, chưa là người lớn nhưng cũng không quá bé để phải nhắc nhở chuyện vệ sinh con gái. Mỗi lần là người tắm kế tiếp cô ấy em không khỏi bực mình bởi tính cẩu thả, quần áo bẩn vứt lung tung, mỹ phẩm, đôi khi băng vệ sinh cũng để nguyên vị. Để sau đó em lại nghe mẹ nhắc: “Đứa nào để đây không vứt đi thế này, con gái mà vô ý thế”, “Cái Hiền hay cái Tâm (là em) thế hả?”. Em chỉ biết thở dài. Là chị dâu mới nên em chưa dám góp ý thẳng với cô ấy, nói với anh thì anh cười xòa: “Ui giời, tính nó trước vẫn thế, cả nhà đều biết mà”.Ngày… tháng…Bà nội ốm, cả nhà mình về thăm, trước khi về em hỏi anh: “Mua quà hay biếu tiền?”, anh bảo: “Gì cũng được”. Vậy mà khi nhận túi quà từ tay em mẹ lại nhăn nhó: “Con mua quà làm gì, bà ốm lắm có ăn được gì đâu, có lòng thì biếu bà 1 đồng để bà thuốc thang” rồi: “Mua hàng nào mẹ mang ra trả lại”. Em quay sang nhìn anh, chưa bao giờ em thấy giận cái tính xuề xòa của anh đến vậy.Ngày… tháng…Đang lúi húi lau nhà thì bất chợt bà cô họ nhà anh sang chơi, sau dăm ba câu chuyện bà ngỏ ý muốn mượn chút tiền: “Để đóng học phí cho thằng Nam”. Em lưỡng lự vì là cháu nhưng đây là lần thứ 2 em gặp bà sau đám cưới khi bà đã hỏi mượn mình lại không cho vay thì thật ngại! Mẹ biết chuyện, mắng em xa xả: “Sao con khờ thế? Cho vay biết bao giờ bà ấy trả. Để mẹ gọi điện thoại cho cô ấy, con sang lấy tiền về ngay đi”. Anh cũng hùa theo: “Lần sau cho ai vay mượn gì em phải hỏi anh chứ, đâu phải ai cũng có thể cho vay”. Em lúng túng đỡ lấy điện thoại từ tay mẹ mà chả dám thốt lên lời. Số tiền có 200 ngàn thôi anh ạ, nó quá nhỏ so với tình cảm bao năm nay giữa 2 gia đình mình.Ngày… tháng…Em đi làm về mệt, đặt lưng xuống là ngủ thiếp đi. Chợt tỉnh dậy khi có tiếng mở của phòng và còn giật mình hơn khi thấy em trai của anh chạy xộc vào bỗ bã: “Chị cho em mượn laptop nghe nhạc”. Nói xong nó thảm nhiên mở máy, bật nhạc ầm ĩ, chẳng thèm để ý tới vẻ mặt mệt mỏi của em. Anh về, em chán nản mở lời để mong anh góp ý với em trai, nhưng không, anh lại nhìn em đầy trách móc: “Em út trong nhà, sao em cứ để ý thế, là người một nhà rồi thì đâu cần quan trọng như vậy”. Em thất vọng vô cùng, phải chi anh đặt vào địa vị như em, phải chi anh đừng quá vô tâm như vậy. Em chỉ có thể nói với anh: “Anh ạ, em vẫn chỉ là dâu mới thôi”.
Theo Afamily