Đám cưới trái mùa thời
21-11-2011 12:00:00 AM
(tapchigiadinh) - Nghe chị hàng xóm sang đưa thiếp mời, vân vi chuyện nhà mới hay, thời nay lo cưới xin cho con cái, đầu óc cứ rối như mớ bòng bong.
Phần vì tốn kém, phần thì bị người ta ì xèo, bàn tán, chê trách. Lo cho cậu con trai duy nhất, ngỡ là chị vui, ai dè nhìn thấy chị gạt nước mắt khiến tôi đành im lặng nghe chuyện.
Lẽ thông thường, đám cưới ở Hà Nội được tổ chức vào đầu tháng 9 đến cuối tháng 2 âm lịch. Nhưng ngày nay không hẳn nghiêm ngặt như thế. Không ít nhà cho con tổ chức đám cưới vào các tháng trong năm, nếu được ngày. Nhưng khách khứa quê được thiếp mời cứ kháo nhau, cớ chi đám cưới lại tổ chức trái khoáy vào lúc này. Nghe đâu chúng nó mới quen biết nhau một vài tháng, chứ đâu đã muộn màng. Hay cô cậu đã có gì với nhau rồi. Lạy trời. Thời đại tân tiến thành thị, nhỡ nhàng là cái sự thường. Vậy rồi bà con quê lục tục hú gọi nhau cho đủ cô bác, chú thím, cậu, dì, nội ngoại, con cháu dâu rể bà con thân thích. Không đi, hóa ra lạnh nhạt. Mà đi thì lắm nhiêu khê. Quần áo, giày dép, mũ mão, xe cộ… rồi lại tiền mừng. Bao nhiêu mới được gọi là một phong bì. Trăm sự phiền. Nghìn sự phiền. Chung quy cũng vì cái tình cái nghĩa mà đi.
Nhưng thưa với bà con, nhà em, chẳng có nhỡ nhàng cái chi chi mà phải cưới chạy. Chung quy là cái giá ngày nay nó leo thang quá hỗn. Không giống như mình, leo cầu thang từng nấc một, mà nó vèo vèo như có phép tàng hình. Thịt đang bảy mươi, tám mươi ngàn đồng ra tết nhảy ngay lên trăm ba. Quá thể. Mà nào đã chịu dừng.Vì thế phải đi tắt, đón đầu, lo sớm cho chúng nó, còn chờ cho "thằng giá" nó biết điều, đứng im, con nhà em biết đến đời nảo đời nào mới có vợ. Đâu chỉ gia đình hàng xóm của tôi bời bời cái sự lo, sự buồn và cả sự bực nữa. Thời nay, mỗi đám cưới có những phương cách tính toán riêng, sao cho giá cả không xâm hại quá sâu vào hầu bao. Nên đặt khách sạn, cho đáng mặt đám cưới như bạn bè, hay chỉ nhà hàng tầm tầm bậc trung. Họ ngồi tính toán chi ly: Khách đáng mặt, hãy nghĩ đến khách sạn. Còn phong bì xêm xêm hai ba trăm đổ lại, nhà hàng bình thường loại ba loại bốn cũng lỗ chỏng vó. Chỉ riêng địa điểm thôi, cả bố mẹ, cả cô dâu chú rể tương lai cũng sấp ngửa hỏi han, tham khảo đến cả chục nơi. Bàn tới bàn lui, cuối cùng đành đưa cô cậu về sân đình, Trung tâm văn hóa cụm dân cư . Thuê sân, chỉ bảy trăm ngàn. Tiền thuê phông màn, mâm bát, đũa thìa… tất tần tật cũng chỉ bảy triệu. Cỗ đặt xêm xêm 1 triệu/mâm. Cái lý của bà mẹ đảm đang, giấu kín, cả chồng cả con không mấy tỏ tường. Đó là lượng khách rất rất… vừa phải. Chung quy cũng chỉ người trong gia đình, họ hàng. Mỗi gia đình nhiều lắm cũng chỉ một hai người đại diện, thay vì phải hầu cả làng cả xã.Cậu con trai vốn là anh thợ mới vào nghề, bạn bè không nhiều nên gật gù thuận ý. Nhưng cô con dâu vẻ như không vui. Nhưng biết làm sao. Bố mẹ chồng tương lai là hộ "dưới mức trung bình". Mẹ lương mỗi tháng chưa đầy hai triệu. Bố cũng chỉ là anh công chức "trung bình", lại vừa mới nhận sổ hưu. Nếu mạnh dạn vay, thì hai con sẽ còng lưng sớm vì nợ nần. Biết là biết vậy, nghĩa là "biết tuốt", nhưng vui cho ngày hợp hôn đơn sơ, quê cảnh như vậy thì có cố mấy, cũng không nhếch mép lên được.Vừa xỉa răng, mấy chàng trai quê bình luận, "Cô dâu - buồn".Sau hai ngày vãn khách, chị hàng xóm hỷ hả sang khoe.- Tưởng là lõm nặng, hóa ra, chỉ lõm vừa vừa, chịu được. Cũng may nhờ tính toán chi li đến từng milimét, nên chỉ hụt mất có 3 mâm. Ba mâm, toàn người nhà, chen chúc với nhau là vui, nên tạm coi là đủ. Bố mẹ về nhà, chỉ một tô mỳ là xong bữa. Nói là nói vậy, chớ còn bụng dạ nào ngồi ăn. Hai bác mừng cho gia đình em.
Theo PL&XH