Mực một nắng nướng Mực tươi nướng, còn gọi là mực một nắng nướng, món đặc sản ngon nhất chỉ Bình Thuận mới có. Du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến đây đều không thể bỏ qua món ăn đặc biệt và mới lạ này.
Mực phải chọn những con vừa mang từ biển về còn tươi rói, chỉ phơi sơ qua một nắng. Khi nướng, mực vẫn giữ được độ tươi, thịt trắng thơm và dẻo. Thưởng thức món mực tươi nướng, du khách sẽ cảm nhận được cái nắng, cái gió và vị mặn của biển Bình Thuận.
|
Ốc vú nàng Loại ốc này sinh sống nhiều ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cù lao Ré (Quảng Ngãi), đảo Lao Câu và đảo Phú Quý (Bình Thuận)... Ốc vú nàng có hình dáng giống đôi gò bồng đảo của các cô gái dậy thì căng tròn đầy sức sống. Hơn nữa, ốc vú nàng lớn bằng kích cỡ "vú nàng thật", được bao bọc bên ngoài lớp vỏ bằng xà cừ cứng chắc. Nếu dùng cát xát vào vỏ thì toàn thân ốc ửng lên một mầu hồng tuyệt đẹp và gợi cảm. Ốc vú nàng có quanh năm nhưng chỉ xuất hiện nhiều vào những ngày trăng tròn, sau đó chúng lặn mất dần để rồi tái xuất hiện vào đầu mùa trăng theo một chu kỳ nhất định. Người bắt ốc phải chịu khó ngâm mình dưới nước bơi vào các hang, dùng đèn soi rọi vào tận kẽ đá tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá bằng lớp da bụng mềm mại của nó. Thịt ốc thái mỏng (theo chiều dọc) đem trộn với da heo hay thịt ba chỉ thái nhỏ, dưa chuột, rau răm, rau húng, đậu phụng rang giã dập, chanh tươi, ớt chín, nước mắm ngon sẽ có món gỏi ốc ngon tuyệt! Gỏi ốc ăn với bánh tráng (bánh đa) nướng, chấm thêm nước mắm gừng ăn mãi không chán. Hương vị gỏi ốc thật đậm đà và khoái khẩu làm sao! Mùi thơm của rau quyện với vị cay nồng của ớt, vị ngọt ngọt của ốc cứ ngấm dần, ngấm dần... Được thưởng thức món gỏi ốc vú nàng chắc chắn các bạn sẽ nhớ mãi.
|
Bánh căn Phan Thiết
Bánh căn ở Phan Thiết nhìn có vẻ giống bánh khọt ở các tỉnh phía Nam nhưng có rất nhiều điểm khác, tạo nên một hương vị khác hẳn. Bánh Căn cùng làm từ bột gạo rồi được đổ trong khuôn như bánh khọt nhưng khác ở chỗ là được đổ trong khuôn đất và không tráng mỡ vào khuôn, vì vậy hương vị bánh căn là bột "nướng" khác với bột "chiên" của bánh khọt. Bánh chín được nạy ra, 2 cái úp vào nhau giữa là lá hành thái nhỏ, bánh căn không tính cái mà tính cặp. Bánh căn ăn với nước mắm pha và nước cá kho (thường là cá nục) kèm với khế chua hoặc xoài xanh, thường có bán thêm trứng luộc; xíu mại; bì luộc để ăn kèm tuỳ theo ý thích từng người. Ăn bánh căn thơm, không bị ngấy. Bánh căn ở Phan Thiết thường bán ở các gánh hàng bán trên vỉa hè, người bán ngồi đổ bánh bên bếp lò nóng hổi, khách thường ngồi ghế xúp xung quanh, cầm tô nước chấm đã pha và đổ được cái nào ăn cái nấy.
|
Thanh long
Quả Thanh Long khá to, nặng từ 200 - 500 gam màu hồng hoặc đỏ sẫm, hình thuôn dài. Mặt quả có những vảy dài, phân bố đều khắp. Khi quả chín vỏ có thể bóc đi dễ dàng như vỏ chuối. Thịt là một khối trắng giống như thạch, có rất nhiều hạt đen li ti rải rác rất nhiều không thể loại bỏ và phải ăn cùng với thịt. Trái Thanh Long có vị ngọt và hơi chua. Bình Thuận được mệnh danh là vùng đất của cây thanh long, chiếm hơn 70% sản lượng của cả nước. Đây là loại cây có giá trị xuất khẩu cao, giá thành rẻ. Ngày nay nhờ áp đụng các thành tựu mới, cây thanh long có thêm mùa trái vụ.
Mì Quảng Phan Thiết Mì Quảng được coi là món đặc sản dùng để mời khách, hay những cuộc vui như giới thiệu nét văn hoá của người dân đất Quảng. Mỳ được làm bằng bột gạo xay mịn, tráng thành bánh, quét lớp dầu lạc mỏng, thái thành sợi. Nước dùng được làm từ thịt gà, có nơi dùng thịt heo, tôm tươi. Nước dùng của mỳ Quảng ít chứ không như nước phở Bắc, nhưng rất ngọt và đậm đà. Rau sống ăn kèm thường là rau thơm, bắp chuối non thái mỏng. Trước khi cho mỳ vào bát, người ta lót xuống dưới một lớp rau sống, rồi trải đều lên trên những sợi mỳ trắng. Nước chan nóng sốt được chan đều với những miếng thịt gà hay thịt heo, tôm béo ngậy, thơm lừng. Có thể cho thêm ít hạt lạc rang chín vàng, ít tiêu, vài lát ớt, vắt múi chanh, một chút mắm chiên... tùy theo khẩu vị. Những người sành ăn mỳ Quảng còn yêu cầu thêm cái bánh tráng nướng giòn, bóp vụn bỏ vào bát mỳ nóng hôi hổi, như thế mới ngon. Ngày nay, do khẩu vị và nhu cầu của nhiều thực khách đến từ bốn phương, người ta có thể điều chỉnh một chút trong khâu chế biến như: cho thêm vào tô mỳ một số loại nhân, rau sống hay gia vị khác, tuy nhiên không phải vì thế mà làm mất đi hương vị tô mỳ Quảng truyền thống.
TẠP CHÍ GIA ĐÌNH
(Nguồn: Theo Bình Thuận)
|