Quần thể Gành Đá đĩa có diện tích khoảng 2km vuông, chiều rộng của gành đá hơn 50m và chiều dài hơn 200m. Là một thắng cảnh được thiên nhiên ưu ái hiếm thấy, với những khối đá hình lục giác, hình tròn liền khít… giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau, tên gành Đá đĩa xuất phát từ đó.
Có hai con đường dẫn đến Gành Đá đĩa. Du khách di chuyển từ TP Tuy Hòa theo QL1A khoảng 35km về hướng Bắc đến thị trấn Chí Thạnh, đi theo đường xã lộ An Thạch xuống xã An Ninh Đông khoảng 11km về hướng Đông là tới Gành Đá đĩa. Một đường khác đến xã An Hải, qua cầu An Hải xuống xã An Ninh Đông, đi khoảng 15km là tới gành đá.
Từ thành phố Tuy Hòa, bạn đi qua các di tích như thành An Thổ, nhà thờ Mằng Lăng, qua những xóm nhỏ uốn lượn theo những con đường trải nắng. Hai bên đường, sau những ngôi nhà là màu vàng ươm của đồng lúa vào vụ gặt. Đi hết con đường, trước mắt một vùng biển trời xanh ngắt với khối đá kiến tạo đặc thù hiện ra. Khối đá đặc biệt này như những con ong nằm bên mép sóng, xa xa là vùng biển lặng có đoàn thuyền neo đậu.
Gành Đá Đĩa đặc biệt về kiến tạo, xung quanh nó không thiếu những chuyện huyễn hoặc được dân gian thêu dệt về tạo hình độc đáo của gành. Theo kết quả nghiên cứu địa chất, Gành Đá Đĩa được tạo nên do hoạt động phun trào núi lửa cách đây hàng trăm triệu năm. Đá ở đây là loại đá bazan được hình thành do hoạt động phun trào núi lửa. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa trôi ra biển gặp nước lạnh nên bị đông cứng, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực. Chính hiện tượng ứng lực này làm các khối đá rạn nứt theo mạch dọc, xiên, ngang thành những cột đá liền khít, phần chìm dưới nước, phẩn nổi trên mặt biển rất đẹp mắt.
Gành Đá Đĩa được UBND tỉnh Phú Yên công nhận danh thắng vào năm 1997. Mặc dù trở thành danh thắng cấp quốc gia, địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên… nhưng trên thực tế cảnh đẹp này vẫn như đang ngủ quên. Du khách đến đây ngoài thưởng lãm cảnh đẹp nguyên sơ của gành đá, gần như không có một dịch vụ du lịch nào tạo điểm nhấn lưu luyến du khách. Trao đổi về tiềm năng du lịch Gành Đá đĩa, ông Phạm Văn Bảy - Phó GĐ Sở VHTTDL Phú Yên, cho biết: “Gành Đá đĩa là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên, để phát huy tiềm năng từ những năm 96, 97 tỉnh Phú Yên đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên cơ sở vật chất hạ tầng chưa hoàn thiện, nên các nhà đầu tư chưa hào hứng. Mới đây tập đoàn Vincom đang khảo sát đầu tư Gành Đá đĩa. Về phía UBND tỉnh Phú Yên đang quy hoạch xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch, tuy nhiên kinh phí eo hẹp nên chưa triển khai được”.
Được thiên nhiên ban tặng thắng cảnh đẹp hiếm thấy nhưng ngành du lịch Phú Yên chưa đánh thức được tiềm năng của một cảnh đẹp được coi là độc nhất vô nhị ở Việt Nam, chưa phát huy tối đa tiềm năng, chưa giúp người dân nơi đây thoát nghèo.
Trong khi ở trên thế giới, kiến tạo như Gành Đá Đĩa rất hiếm hoi. Như núi đá Giant’s Causeway ở bờ biển Đông Bắc của Ireland, gành đá Órganos ở đảo La Gomera nổi tiếng của Tây Ban Nha, đá trong hang động Figal, đảo Staffa ở Scotland hay ở đảo JeJu của Hàn Quốc… Các danh thắng đó hoặc trở thành di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận như Giant’s Causeway (1986), hoặc trở thành các điểm du nổi tiếng như đảo JeJu hay Órganos… thì Gành Đá Đĩa (Phú Yên) vẫn chưa thực sự được giới thiệu đúng tầm, “nổi tiếng” như nó xứng đáng “sánh vai” với các di sản thiên nhiên tương tự trên thế giới.
THU DỊU