Huế
Festival Huế năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 20/4, tái hiện nhiều lễ hội độc đáo như: đêm hoàng cung, lễ hội áo dài, đêm phương Đông, các lễ hội cộng đồng Hương xưa làng cổ, chợ quê ngày hội... Ngoài ra, Festival Huế 2014 còn có các hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng như các cuộc triển lãm, trưng bày, nghệ thuật thả diều Huế, thư pháp, các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc - mỹ thuật đường phố...
Đà Nẵng
Vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật cuối cùng của tháng 4 (26 và 27/4), Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ hội ánh sáng lần đầu tiên, với sự tham gia của 5 đội đến từ các nước trên thế giới. Các đội sẽ tham gia trình diễn ánh sáng trên nền nhạc và cảnh quan thành phố. Bên cạnh đó sẽ có các hoạt động như: giao lưu nghệ thuật, triển lãm chiếu sáng nghệ thuật, gala dinner, các tour phục vụ khách du lịch... Lễ hội ánh sáng là chương trình được kỳ vọng sẽ hút khách du lịch khắp nơi về với TP năng động ven sông Hàn trong cuối tháng 4 này.
Thành phố Hồ Chí Minh
Dịp nghỉ lễ 30/4, hãy vào TP HCM để vừa thăm quan, ăn các món ngon và mừng ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hiện giờ, TP HCM có rất nhiều khu vui chơi giải trí như Suối Tiên, Đầm Sen, Tao Đàn, Bình Quới... hoặc bạn có thể đi thăm địa đạo Củ Chi và đi các tỉnh lân cận như Vũng Tàu, Tiền Giang...
Trà Vinh - Sóc Trăng - An Giang - Kiên Giang
Tết Chol Chnam Thmay là lễ Tết truyền thống của cộng đồng người Khmer ở các tỉnh Nam bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Tết được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 dương lịch, cũng là những ngày Tết của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma nhưng ở Việt Nam, Chol Chnam Thmay còn gọi là Tết “chịu tuổi”. Trong ba ngày Tết, mọi người đều mặc quần áo mới, dâng lễ lên chùa, nam nữ thanh niên Khmer vui chơi ca hát thoả thích.
Lào - Thái Lan - Myanmar - Campuchia
Lễ hội Tết năm mới của bốn nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar đều diễn ra từ 13 đến 15/4 mỗi năm với tập tục té nước được coi là hành động đem lại may mắn trong năm mới. Tới những đất nước này vào dịp lễ hội, bạn sẽ được chứng kiến cảnh tượng người dân đổ ra đường dội nước vào nhau thậm chí dùng những khẩu súng nước để bắn vào những người khác cùng với lời chúc mừng năm mới.
Hong Kong
Liên hoan phim quốc tế Hong Kong, diễn ra từ 24/3 đến 7/4, là một trong những giải thưởng danh giá, uy tín bậc nhất ở châu Á dành cho các nhà làm phim và các diễn viên. Liên hoan quy tụ nhiều chuyên gia điện ảnh từ khắp nơi trên thế giới tới tham dự và khởi động nhiều dự án phim hoành tráng. Năm nay, giải thưởng kỷ niệm lần thứ 38, 280 phim được gửi tới từ 50 quốc gia. Sự kiện này được tổ chức khá rầm rộ tại Hong Kong ở 11 điểm trong khắp thành phố. Đây được coi là một lễ hội tưng bừng nhất trong năm khi thu hút tới 600.000 người.
Philippines
Lễ hội Moriones trên đảo Marinduque (Philippines) kéo dài một tuần, từ 14 đến 20/4, được gọi là tuần lễ Thánh. Đây là ngày lễ quan trọng nhất với người Philippines. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương sẽ đeo khẩu trang, mặc trang phục hóa trang độc đáo và đeo mặt nạ có hình thú kỳ lạ, mô phỏng lại hình ảnh của những người lính La Mã. Trên tay họ sẽ cầm vũ khí bằng gỗ để mổ phỏng lại các cuộc chiến đấu trước đây. Bạn cũng có thể tìm thấy những bức tượng các chiến binh La Mã với tỷ lệ như người thật tại bến cảng Balanacan.
Đài Loan
Lễ hội hành hương Dajia Mazu là lễ hội lớn nhất Đài Loan, diễn ra trong 8 ngày 7 đêm từ 22/4. Đây là dịp để người dân hòn đảo này tưởng nhớ nữ thần Mazu, người bảo vệ các thủy thủ và ngư dân khi đi biển. Lễ hội tại thu hút cả trăm nghìn người từ khắp nơi ở Đài Loan. Họ mang các bức tượng biểu trưng cho thần Mazu trên suốt quãng đường 300 km, đi qua 4 thành phố. Đoàn người sẽ hành hương từ đền Jenn Lann đến đến Feng Tian và ngược lại. Lễ hội này cũng được tổ chức lại Hong Kong, nhưng với cái lên là lễ hội Tin Hau. Còn ở Macao, người dân lại gọi là lễ hội A-Ma.
Hạt Tiêu - Nguyên Chi