Thứ Năm của tuần thứ 4 trong tháng 11 là Lễ Tạ ơn (Thanksgiving), một trong những lễ hội trọng đại nhất trong năm của Mỹ. Mặc dù ngày nay nhiều người Việt đã dần quen với cụm từ “Lễ Tạ ơn”, “Black Friday” nhưng có một số điều về buổi lễ đặc biệt này mà không phải ai cũng biết.
1. Ba thị trấn ở Mỹ mang tên gà tây
Người Mỹ “cuồng” Lễ Tạ ơn đến độ ở Mỹ có tới 3 thị trấn được đặt theo tên con vật yêu thích của quốc gia là gà tây (turkey). Đó là Turkey ở Texas, Turkey ở Bắc Carolina và Turkey Creek ở Louisiana. Ngoài ra còn có hai thị trấn ở bang Pennsylvania có tên là Upper Turkeyfoot và Lower Turkeyfoot.
2. Thú sống tham gia diễu hành trong Lễ Tạ ơn
Truyền hình cũng đóng một phần quan trọng trong ngày kỷ niệm. Vào ngày này nhiều gia đình Mỹ thường có thói quen ngồi trước màn hình để xem cuộc diễu hành của các ban nhạc, phao nổi, bong bóng khổng lồ, của âm nhạc và các màn nhạc kịch Broadway hoành tráng.
Tuy vậy nhiều người Mỹ vẫn hồi tưởng về buổi diễu hành đầu tiên của ngày Macy’s Thanksgiving Day Parade ở New York, khi đàn thú sống như khỉ, gấu, lạc đà, voi được “vay mượn” từ vườn thú Central Park, New York diễu hành trên khắp đường phố.
3. “Jingle Bells” là bài hát Tạ ơn
Jingle Bells ban đầu được viết cho Lễ Tạ ơn
Bài hát quen thuộc đêm giáng sinh Jingle Bells do James Pierpoint sáng tác vào năm 1857 thực chất được viết để dành tặng cho trẻ em vào Lễ Tạ ơn. Hai năm sau đó bài hát này đã nhanh chóng trở thành ca khúc “hit” của kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
4. Tổng thống Benjamin Franklin từng muốn đưa gà tây thành biểu tượng nước Mỹ
Gà tây là con vật yêu thích của người Mỹ, đến nỗi tổng thống Benjamin Franklin đã viết trong thư gửi con gái mình rằng, ông ước ao con gà tây hói đầu thực sự trở thành biểu tượng của nước Mỹ.
5. Tổng thống Thomas Jefferson gọi Lễ Tạ ơn là “ý tưởng lố bịch nhất”
George Washington là người đầu tiên tuyên bố Lễ Tạ ơn là một kỳ nghỉ. Nhưng đến đời Thomas Jefferson thì ông lại phản đối Thanksgiving, hủy Tạ ơn trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông và gọi đây là “ý tưởng lố bịch nhất”.
Mãi cho đến năm 1863, thì thứ Năm tuần thứ 4 tháng 11 mỗi năm mới được Abraham Lincoln tuyên bố chính thức là Lễ Tạ ơn.
6. Đêm trước và sau Lễ Tạ Ơn là ngày “hốt bạc” của các quán bar và shopping ở Mỹ
Sau Thanksgiving là Black Friday, ngày mua sắm "điên cuồng" của người Mỹ
Nếu như các tối thứ 2, 3 là ngày người Mỹ tràn đến các quán bar trước khi trở về tụ họp với gia đình vào ngày Lễ Tạ Ơn thì thứ 6 sau đó là ngày người ta "điên cuồng" lao vào các cửa hàng để mua sắm trong ngày “Black Friday”.
7. Bang Minnesota, Mỹ sản xuất 600.000 tấn gà tây mỗi năm
Minnesota là nhà cung ứng gà tây, món ăn truyền thống của Lễ Tạ ơn, nhiều hơn bất cứ nơi nào trên đất Mỹ. Năm ngoái, nơi này đã tiêu thụ được hơn 600.000 tấn gà tây, với trị giá gần 839 triệu đô la.
8. Nghi thức “ân xá” gà tây tại Nhà Trắng
Nhà Trắng có một truyền thống là ân xá cho một chú gà tây may mắn mỗi năm. Truyền thống này được cho là đã bắt đầu vào năm 1947 dưới thời tổng thống Harry Truman.
Nhưng một số nghĩ rằng nó thực sự bắt đầu vào những năm 1860 thời Abraham Lincoln sau khi con trai của ông, Tad, năn nỉ ông tha mạng cho con vật cưng của mình.
9. Gà tây chay
Nhiều gia đình Mỹ ngày nay lựa chọn đón Lễ Tạ ơn bằng gà tây chay
Ngoài các thực phẩm giàu đạm truyền thống thường thấy trong buổi lễ Tạ Ơn, nhiều gia đình Mỹ ngày nay lựa chọn đón lễ Tạ ơn bằng gà tây chay với nhân nhồi đậu hũ. Bên cạnh đó còn có món bí, xà lách, hoặc các món ăn trái cây và rau quả khác.
Ngoài Mỹ, người dân Canada cũng đón Thanksgiving rất hoành tráng, nhưng do mùa vụ của đất nước lá phong diễn ra sớm hơn nên họ thường đón lễ Tạ Ơn vào tuần thứ 2 của tháng 10.
(Theo businessinsider.com)