Dù cà phê có thể kích thích vị giác và giữ cho cơ thể tỉnh táo, nhưng uống quá nhiều cà phê có thể khiến tăng cân, tăng độ lão hoá của da, hôi miệng, thậm chí còn góp phần gây viêm bàng quang, tích tụ mỡ thừa – cellulite và sảy thai.
Phụ nữ ngày càng quen dùng cà phê hơn so với trước đây. Ảnh internet
Làm làn da trở nên già nua
Ở thời đại ngày nay, một tách cà phê buổi sáng không còn là thói quen của riêng đấng mày râu mà đã trở nên quen thuộc với nhiều phụ nữ. Nhưng theo chuyên gia dinh dưỡng Marisa Peer, thói quen này có thể khiến bạn trông già hơn: “Với làn da của bạn, một tách cà phê có ảnh hưởng chẳng khác gì một ly rượu vang. Làn da cần nhiều nước để trông đầy đặn và rạng rỡ. Nhưng cà phê là một chất lợi tiểu, nó khuyến khích cơ thể của bạn bài tiết nước. Nếu bạn uống quá nhiều cà phê, làn da của bạn sẽ bị mất nước như vừa có một đêm mất ngủ”.
Cô Marisa nói thêm: “Hấp thụ caffeine khiến cho hệ thống thần kinh của bạn rơi vào trong một trạng thái kích thích nhân tạo. Trong trạng thái này, làn da không được cung cấp đầy đủ khí oxy. Hệ thống bạch huyết giúp loại bỏ chất thải cũng không làm việc một cách hiệu quả, để lại làn da kém đàn hồi, sần sùi và dễ bị bong tróc”.
Tích tụ mỡ dưới da – Cellulite
Cellulite là những khối mỡ thừa tích tụ dưới da với nhiều kích cỡ khác nhau xung quanh vùng hông, mông, những nếp gấp, nhão, mềm, không bằng phẳng…, chúng không chỉ khiến bạn trông to béo lên, mà còn làm cho làn da bạn trông sần sùi và chảy xệ.
Caffeine là một thành phần trong một số loại kem dưỡng da, nhưng điều đó không có nghĩa là khi uống nó sẽ có tác dụng tích cực tương tự. Chuyên gia dinh dưỡng Vicki Edgson, tác giả của quyển sách Gut Anatomy nói: “Cà phê được sử dụng trong nhiều loại kem chống cellulite bôi bên ngoài của da để giúp rút các độc tố được lưu trữ trong các tế bào chất béo, qua đó làm giảm cellulite”. Nhưng tình trạng mất nước do uống cà phê lại làm lớp mỡ dưới da trở nên tắc nghẽn, cứng lại và tạo thành một mạng lưới dày đặc, dẫn đến xuất hiện cellulite.
Cellulite thường xuất hiện ở vùng hông, mông và đùi khiến bạn trông béo lên.
Hơi thở nặng mùi
Theo Tiến sĩ Sameer Patel của Trung tâm nha khoa Elleven tại Luân Đôn (Anh), cũng giống như rượu, cà phê làm miệng mất nước: “Khi đó, nước bọt ít được tiết ra để rửa sạch miệng và chống lại vi khuẩn. Hơn nữa nếu bạn uống cà phê sữa, các dư lượng sữa bám trên răng sẽ lên men và tỏa ra mùi khó chịu”.
Còn theo Nha sĩ Mayank Morar từ trung tâm AP Smilecare, ở thành phố Blackburn (Anh): Cà phê có chứa tannins, caffeine và axít sẽ gây vàng răng chẳng khác gì chất nicotine từ thuốc lá.
Tăng cân nhanh chóng
Một ly cà phê sữa có thể chứa tới 500 calories, bằng mức năng lượng của cả một bữa ăn. Hơn nữa tại các cửa hàng cà phê, bạn có thể dễ dàng mua thêm một chiếc bánh ngọt ăn kèm đầy đường bột và chất béo.
Bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng Shani Shaker từ đại học Guelph, Canada, cho biết rằng caffeine ức chế hoạt động insulin, chất kiểm soát chuyển hoá đường và chất béo. Sự kết hợp của lượng đường trong máu cao và mức insulin thấp sẽ gây tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tăng cân không bao giờ là niềm vui đối với phụ nữ.
Gây hại cho bàng quang
Uống hơn ba tách cà phê mỗi ngày sẽ ảnh hưởng đến các hormon điều tiết sự cân bằng nước. Điều này làm cho cơ thể tăng cường bài tiết, gây mất nước, khiến nước tiểu đậm đặc hơn và có tính axit, tổn hại thành bàng quang, tiểu buốt và thậm chí dẫn đến viêm bàng quang.
Trong một nghiên cứu của Đại học Alabama trên 1356 phụ nữ có thói quen uống nhiều hơn ba tách cà phê mỗi ngày, 70% trong số đó có nguy cơ mắc bệnh về bàng quang. Trong thực tế, những phụ nữ không kiểm soát được việc tiểu tiện thường được bác sĩ tư vấn tránh uống cà phê.
Mệt mỏi suốt ngày
Các nhà nghiên cứu trường Đại học Glasgow (Nga) cho rằng cà phê tăng cường năng lượng tức thời, và giúp chúng ta tỉnh táo bằng cách kích thích tuyến thượng thận tiết hormone adrenalin gây tăng nhịp tim, nhịp thở và căng cơ; nhưng hậu quả có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi kéo dài sau đó.
Phải mất từ 5 đến 12 giờ cho cơ thể đào thải hoàn toàn caffeine; và khi bạn vào giường nằm, có thể bạn vẫn không thể ngủ được. Nguyên nhân chính là bởi vì cafein cản trở việc sản xuất hormone melatonin, vốn giúp chúng ta có giấc ngủ ngon.
Mệt mỏi kéo dài sau tình trạng tỉnh táo tạm thời do tác động từ cà phê.
Mái tóc thiếu sức sống
Cơ thể chúng ta cần cung cấp tốt nhất các vitamin và khoáng chất bao gồm biotin, selen, kẽm và đồng để giữ cho tóc chắc khoẻ và óng mượt. Khi uống quá nhiều caffeine, lượng khoáng chất trong cơ thể cũng bị đẩy ra ngoài qua quá trình bài tiết. Từ đó tác động tiêu cực đến tình trạng tóc, bao gồm cả dộ sáng và kết cấu.
Sự mất khoáng chất thậm chí có thể gây rụng tóc và bạc tóc sớm. Theo chuyên gia dinh dưỡng Cassandra Barns: “Một trong những nguyên nhân chính gây rụng tóc ở phụ nữ trước khi mãn kinh là do thiếu sắt, và cà phê ảnh hưởng đến sự hấp thụ ion sắt trong cơ thể. Bên cạnh đó, nguyên tố đồng được cho là góp phần tạo nên sắc tố, nếu thiếu đồng sẽ khiến tóc bị bạc đi”.
Một mái tóc thiếu sức sống và nhạt màu là do cơ thể thiếu các khoáng chất cần thiết.
Khó thụ thai
Nếu bạn đang nghĩ đến việc có một em bé, chuyên gia sinh sản Zita West khuyên bạn hãy cắt giảm tiêu thụ cà phê.
Theo nghiên cứu trên tạp chí British Journal về Y dược, caffeine gây ức chế các cơ ở quanh thành ống dẫn trứng. Bình thường, những cơn co nhịp nhàng sẽ đưa trứng từ buồng trứng xuống tử cung để gặp tinh trùng. Thay vào đó, những tế bào trứng lại bị “mắc kẹt” giữa đường.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Radbout, Hà Lan phát hiện ra rằng những phụ nữ uống hơn 300mg caffeine mỗi ngày (khoảng hai ly cà phê), có tỷ lệ thụ thai ít hơn 27% so với những phụ nữ không uống cà phê.
Và sau khi quá trình thụ thai đã diễn ra, uống nhiều hơn một ly cà phê mỗi ngày có thể làm tăng khả năng sẩy thai do caffeine gây co mạch máu và rối loạn nội tiết. Một nghiên cứu khác cho thấy những phụ nữ uống nhiều hơn 200mg caffeine mỗi ngày có tỷ lệ sẩy thai gấp đôi so với người bình thường. Vì vậy, nếu bạn đang cố gắng có em bé, cà phê nên được loại bỏ khỏi danh mục thức uống hàng ngày.
Phụ nữ mang thai không nên uống cà phê.
phunuthoinay