"Kết quả siêu âm cho thấy trong bụng bệnh nhân đã sũng máu nên phải chuyển tới bệnh viện để cấp cứu ngay", bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y khoa Thái Hà, Hà Nội - người khám cho chị Nhung, cho biết.
Theo bác sĩ Dung, bà từng gặp không ít trường hợp bị ra máu do có thai ngoài tử cung nhưng lại nhầm là bị rong huyết. Một tuần qua, bà tiếp nhận 2 ca tương tự chị Nhung.
|
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung. Ảnh: MT.
|
Chị Huệ (Từ Liêm, Hà Nội) ra máu kéo dài gần chục ngày. Siêu âm ở một cơ sở gần nhà, bác sĩ kết luận chị bị rong kinh. Chưa yên tâm, chị đi khám sản phụ khoa và được bác sĩ yêu cầu thử thai, kết quả hiện hai vạch. Chị Huệ được xác định mang thai ngoài tử cung và chỉ định nhập viện ngay.
Theo bác sĩ Kim Dung, thai ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở những nơi khác bên ngoài, hay gặp nhất là ở vòi trứng. Túi thai vỡ có thể gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người mẹ. Thông thường, trường hợp thai ngoài tử cung đã vỡ, người bệnh đau bụng dữ dội, khát nước, người bủn rủn muốn xỉu, mặt nhợt nhạt, khó thở... nếu không điều trị kịp có thể chết do mất máu. Vì thế, cần phát hiện sớm lúc thai ngoài tử cung chưa vỡ để điều trị kịp thời.
Bác sĩ cho hay, trễ kinh, đau bụng, ra huyết âm đạo là ba dấu hiệu thường gặp nhất ở người có thai ngoài tử cung. Khi có thai ngoài tử cung, một số trường hợp bị trễ kinh nhưng số khác có thể ra huyết trước ngày hành kinh rồi kéo dài. Người bệnh không nghĩ có thai hoặc cho là bị rong huyết. Những trường hợp này lượng máu ra thường ít, bầm đen và không đông lại.
"Cách đơn giản, rẻ tiền nhất là khi thấy trễ kinh hay ra máu bất thường, chị em nên mua que thử thai về nhà thử. Trường hợp có thai thì cần phải đến cơ sở y tế ngay để được khám và chẩn đoán kịp thời. Ra máu khi mang thai có thể là chỉ báo thai dọa sẩy hoặc thai nằm ngoài tử cung, đều cần điều trị ngay", bác sĩ Dung khuyến cáo.
* Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi
theovnexpress