Phòng và trị bệnh toàn thân
Theo Đông y, kinh lạc ở bàn chân có tác dụng lưu thông khí huyết, nuôi dưỡng các cơ quan, mềm gân xương, trơn các khớp. Kinh lạc ở bàn chân liên quan đến sự phát triển bệnh tật. Nếu kinh lạc bị rối loạn thì tà khí sẽ theo kinh lạc truyền vào các cơ quan. Ngược lại, bệnh cũng theo đường kinh lạc ra ngoài và biểu hiện ngoài da.
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Đông y rất quý bàn chân và được ví như trái tim thứ hai của con người. Dùng nước nóng hoặc nước thảo dược ngâm chân sẽ thông được các kinh lạc bị tắc nghẽn, tăng cường lưu thông máu, cải thiện trao đổi chất; cơ, xương, khớp dẻo dai; tăng cường sức đề kháng; chữa được nhiều bệnh tật.
Ví dụ, ngón chân cái là đường đi ngang của hai kinh can (gan) – tỳ (lá lách), ngâm chân giúp giảm tức hông sườn, trị chứng biếng ăn, tránh tiêu chảy; ngón chân thứ hai là kinh vị (dạ dày), giúp trị các bệnh về dạ dày, rối loạn tiêu hóa; ngón chân út thuộc kinh bàng quang (bọng đái) giúp chữa chứng đái dầm, tiểu đêm, són tiểu, điều chỉnh vị trí của tử cung; ngón chân thứ tư thuộc kinh đởm (mật) giúp phòng trị táo bón, đau hông sườn; dưới gan bàn chân có đại huyệt rất quan trọng là huyệt dũng tuyền, thuộc kinh thận giúp điều trị thận hư, suy nhược, gan bàn chân đau hoặc nóng lạnh, động kinh, mất ngủ, đau đầu, đau họng, nôn mửa, hạ huyết áp, đau lưng, mỏi gối…
Ngâm sao cho đúng?
Bài thuốc ngâm chân có nhiều dạng, nhưng thường dùng các loại cây có tính chất dãn mạch, ấm kinh lạc, có tinh dầu để làm dịu thần kinh như: chân chim (trên 20 loài, loài nào cũng đều sử dụng được), cây màng tang, cây quế ở núi, long não, đại bi, lá vằn, cây bùm sụm, thiên niên kiện, gừng, lá lốt, kinh giới, hương nhu, ngải cứu, hồng hoa, cam thảo, quế chi, địa long, huyết kiệt, thổ nguyên, đào nhân…
Khi ngâm có thể kết hợp từ 5-10 loại trên. Nếu cây, lá khô thì dùng từ 10-20g/loại, còn nếu cây tươi thì có thể dùng từ 100-200g/loại. Đem tất cả thuốc rửa sạch, cho vào nồi. Đổ nước sạch ngập mặt thuốc. Nên để dược liệu ngâm trong nước khoảng 15-30 phút trước khi nấu để hoạt chất trong dược liệu dễ hòa tan hơn. Nấu nước thuốc ngâm chân không giống sắc thuốc uống nên cứ để lửa lớn bình thường, khi nước sôi để khoảng 15 phút thì tắt lửa.
Tùy vào điều kiện, thùng ngâm chân có thể dùng thùng nhôm hoặc thùng gỗ, có chiều cao lên tới gối, nếu được thùng gỗ càng tốt. Nước thuốc có thể pha thêm nước lạnh sao cho độ ấm từ 40-600C là vừa, lượng ít hay nhiều tùy người sử dụng. Nếu lượng nước chỉ đủ ngâm hai bàn chân vẫn có tác dụng, nhưng tốt nhất nên ngâm gần đến gối vì phần cẳng chân vẫn có kinh lạc.
Không nên nhúng ngay bàn chân vào chậu nước mà nên đặt bàn chân cách mặt nước một khoảng để xông hơi trước, vừa giúp chân không bị “sốc nhiệt” và giúp nở lỗ chân lông. Sau đó từ từ hạ bàn chân sát mặt nước rồi mới ngâm cả chân.
Không ít người nghĩ ngâm chân rất “lành” nên có thể sử dụng mọi loại dược liệu. Tuy nhiên, theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, những người bị bệnh da như nấm, chàm, lác, ghẻ, lở khi áp dụng biện pháp ngâm chân cần có chỉ định của thầy thuốc. Dược liệu ngâm chân không được sử dụng cây tinh dầu với những trường hợp trên vì tinh dầu đi vào kinh lạc sẽ khiến bệnh thêm nặng. Đã có trường hợp bị nấm ngoài chân nhưng lại nấu nước gừng đem ngâm, làm nấm phát tán mạnh hơn.
Người có bệnh ngoài da nên sử dụng những cây có tính sát trùng, giúp se vết thương như cây kiến cò, kim ngân, bồ công anh, hoàng đăng, chè vằn, sắn thuyền, móng tay… Lưu ý, người bệnh nên có thùng ngâm riêng để tránh lây bệnh cho người khác.
Phương pháp ngâm chân nói chung nên tiến hành sau bữa ăn, trước khi đi ngủ 30 phút là tốt nhất. Có thể ngâm mỗi ngày.
Theo PNO