Tiêm vitamin đẹp da an toàn hơn dùng mỹ phẩm?
Dạo một vòng các thẩm mỹ viện, spa vào những ngày này - thời điểm cận lễ 8/3 mới thấy dịch vụ tiêm chích vitamin để đẹp da rất rộn rịp với nhiều lời quảng cáo có cánh: hiệu quả nhanh, không để lại dấu vết, và nhiều công dụng như trắng, săn da, chống chảy xệ, điều trị mụn, trị nám, tàn nhang... Thậm chí, một mỹ viện ở Q.7, TP.HCM còn khẳng định với người viết rằng, người có làn da đẹp, muốn duy trì vẫn có thể tiêm chích thoải mái vì chích tốt hơn dùng mỹ phẩm mà không lo bị dị ứng (?).
Tiêm vitamin làm trắng da đang được xem là “hot” nhất. Tại trung tâm làm đẹp trên đường 3/2, Q.10, bác sĩ (BS) T. giới thiệu các dược phẩm tiêm truyền giúp trắng da với vitamin C kết hợp các chất khác như glutathione. Vị này còn nói: glutathione là chất thường chỉ định trong điều trị bệnh gan vì giúp giải độc, có tác dụng chống oxy hóa, điều trị mắt kém… Ngoài ra, chất này dùng để điều trị bệnh Alzheimer, tuy nhiên, quá trình sử dụng, người ta phát hiện ra tác dụng phụ gây bất ngờ là làm da trắng sáng hơn một cách tự nhiên.
Trên các trang mạng, nhiều nơi cũng rao bán sản phẩm tiêm trắng da, chống lão hóa, căng bóng da mặt đủ xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp... thành phần chính gồm glutathione, collagen, acid alpha lipoic (ALA), acid ascorbique... cùng với hình ảnh của các ca sĩ, người mẫu… và lời quảng cáo về tác dụng lên tận mây xanh.
Trang mạng có tên Tiêm thuốc… liên tục cập nhật hàng mới với thượng vàng hạ cám về giá. Liên hệ với người đàn ông tên K. theo số điện thoại ghi trên mạng, tôi được K. lập tức tiếp thị sản phẩm tiêm mới nhất có tên Veniscy Prestige Skin 5000 EGF. Theo K., loại này bổ sung thêm collagen EGF và các chất làm dịu da chống làm nóng người, bổ sung thêm nhiều thành phần hỗ trợ kích trắng da nhanh chóng. Giá “mềm”, 2,3 triệu đồng/ống, tiêm năm-sáu mũi là đạt đến hiệu quả mong muốn. K. còn tranh thủ giới thiệu thuốc tiêm tế bào gốc nhau thai người (Human Placenta) có tên FILOGRA 4 in 1 của Pháp có tác dụng phục hồi tuổi xuân, ngăn ngừa xơ gan, cải thiện ham muốn tình dục…
Các trang mạng còn “bao” luôn việc giới thiệu BS hoặc y tá đến nhà tiêm chích với tiền công từ khoảng 30.000-50.000đ/lần tiêm.
Tiêm trắng da tại nhà - Ảnh mang tính minh họa: Internet
Tiêu mỡ hay tiêu… tiền?
Cách đây không lâu, tôi được người bạn rỉ tai: tiêm vitamin B12 để giảm cân rất hiệu quả. BS Lê Thị Ngọc Diệp - giảng viên bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng, do tác dụng vitamin B12 cần thiết cho sự tổng hợp sinh hồng cầu, nên BS thường chỉ định tiêm khi người thiếu hồng cầu. Thế nhưng một tác dụng phụ ngoài sự mong đợi là sự gia tăng trao đổi chất, chuyển hóa lipid, khả năng này dẫn đến nhiều người cho rằng tiêm vitamin B12 sẽ có thể nhanh chóng làm giảm cân. BS Ngọc Diệp cho biết, cho đến nay phương pháp giảm cân này vẫn chưa được công nhận chính thức từ Bộ Y tế các nước, do chưa có công trình nghiên cứu nghiêm túc nào.
Chị Ngọc Thủy, 39 tuổi kể, do muốn giảm mỡ ở phần đùi, chị được một BS ở cơ sở thẩm mỹ tư vấn tiêm thuốc vì chị ngại hút mỡ bị đau. Theo BS, axít deoxycholic vốn dĩ dùng để điều trị mật nên không gây hại (!). Tuy nhiên, giá gần 400 USD cho 10ml, mỗi lần tiêm khoảng 50ml, nên chị Thủy không biết có thể đeo đuổi đến cùng hay không. Đã có trường hợp một bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy vì tiêm thuốc giảm mỡ axít axetic (giấm). Phổ biến ở các cơ sở thẩm mỹ là thuốc tiêm tiêu giảm mỡ PPC (phosphatidylcholine). Chị Thanh Hồng, 45 tuổi (Q.3), cho biết, BS nói loại này chích thẳng vào vùng mỡ dưới da làm tế bào mỡ lỏng ra phóng thích theo chu trình bình thường của tế bào chết qua tiểu tiện nên an toàn. Tuy nhiên, chị đã chích tám lần, tiêu tốn mấy chục triệu đồng, nhưng vẫn chỉ mới giảm được ít mỡ.
Quá nhiều nguy cơ
ThS-BS Trần Thị Nga - BV ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng, phosphatidylcholine nguyên được dùng để điều trị thuyên tắc phổi do mỡ. Giới can thiệp thẩm mỹ đã nhanh chóng đưa phosphatidylcholine vào áp dụng cho khách hàng. Phosphatidylcholine với thành phần chiết xuất từ đậu nành có tác dụng là một loại dẫn chất hoạt động, làm cho các thành phần khác hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ sẽ giải phóng ra triglyceride (dầu) ở dạng nhũ tương. Lượng nhũ tương này nếu không được hút ra khỏi cơ thể sẽ gây ứ đọng tại chỗ, và đôi khi cơ thể không thể giải quyết ngay một số lượng lớn dầu ứ đọng, có thể gây nên hiện tượng u tại chỗ, viêm mô tế bào, thậm chí để lại di chứng thẩm mỹ.
Tương tự, các BS cảnh báo, tiêm axít deoxycholic trong khoảng 40-60ml được xem là an toàn, nhưng nếu tiêm quá liều sẽ làm mỡ vón cục, gây tình trạng đau, hoại tử... Đặc biệt, axít axetic bị cấm sử dụng trong tiêm giảm mỡ vì khả năng làm xơ vùng mỡ lan rộng, làm xơ cứng nhiều vùng khác, gây ra nhiều bệnh lý. Hệ quả trước mắt là khó thở, cứng bì (da)...
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y Dược TP.HCM, quảng cáo "chích vitamin B12 làm giảm trọng lượng cơ thể" là sai, bởi vitamin nói chung chỉ là các chất xúc tác các phản ứng chứ không thể làm tiêu hao năng lượng, giảm cân. “Người ta chỉ tiêm chích vitamin B12 khi thiếu vitamin này gây thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Chích vitamin B12 tùy tiện có thể bị nguy hiểm vì dị ứng, thậm chí là bị sốc phản vệ gây chết người”, PGS-TS Đức nhấn mạnh. Ngoài ra, với “chế phẩm chứa ba loại enzym chính: cholin, inostiol và methionin, các enzym ngăn ngừa quá trình mỡ tích tụ quanh gan”, PGS-TS Đức cho rằng ba chất trên đều bắt nguồn từ thực phẩm, có thể liên quan đến chuyển hóa mỡ nhưng tác dụng làm tan mỡ đến độ giảm cân chống béo phì chỉ là lời đồn đại.
BS Phạm Xuân Khiêm - BV thẩm mỹ Emcas cho biết, trong y học, glutathione là chất để tăng sức đề kháng, dùng để điều trị bệnh đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, ngăn ngừa lão hóa, điều trị hoặc ngăn ngừa tiểu đường, chứng nghiện rượu, bệnh viêm gan, một số bệnh ung thư, bệnh tim mạch… Trên thực tế hiện chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh chất này an toàn trong làm đẹp, cũng như có tác dụng chống lão hóa, làm trắng da.
Bản thân glutathione là nội sinh - nếu thiếu mới bổ sung, nếu bổ sung một cách vô tội vạ thì cơ thể sẽ không tự sản sinh ra, và tiềm ẩn những nguy cơ lớn, trong đó có thể gây ung thư cho người sử dụng. Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cũng khuyến cáo chưa chấp thuận cho sử dụng rộng rãi tiêm glutathione để làm trắng da, bởi có thể gây một số tác dụng phụ như rụng tóc, nổi đốm trắng trên móng tay, tê hoặc run chân, tay, trầm cảm, lo âu, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì, suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp, giảm hiệu lực của thuốc chống ung thư, làm trầm trọng thêm tình trạng hen suyễn…
theo phunuonline.com