Vào “mùa”, dịch thủy đậu trở nên nguy hiểm vì khả năng lây lan nhanh và rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, kết quả học tập, thậm chí nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của trẻ - đối tượng chính của dịch. Một số quan niệm sai lầm về thủy đậu sau đây cũng là nguyên nhân khiến dịch thủy đậu trở nên nguy hiểm hơn:
1. Đây là bệnh nhẹ, hoàn toàn có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày?
Không thể nói thủy đậu là bệnh nhẹ nếu kể đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm của bệnh này khi không được chữa trị và chăm sóc đúng cách. Nhẹ thì nhiễm trùng da, tạo thành những vết sẹo vĩnh viễn. Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, tổn thương thần kinh trung ương, viêm não, viêm phổi, viêm tiểu não, suy hô hấp có nguy cơ dẫn tới tử vong. Phụ nữ mang thai, nếu mắc thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ dễ bị sẩy thai, trẻ khi sinh ra sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Nếu thai phụ phát bệnh thủy đậu 5 ngày trước hoặc 2 ngày sau khi sinh, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh có thể lên đến 30% (1). Thậm chí, sau khi hết bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng ngủ đông, sẽ tái hoạt động sau nhiều năm, trong một số điều kiện nhất định sẽ gây ra san thương của bệnh là Zona (giời leo).
Sau thời gian ủ bệnh, bệnh sẽ phát triển 7 – 10 ngày nếu không có biến chứng. Điều đó không có nghĩa là bệnh có thể hoàn toàn tự khỏi. Việc điều trị kịp thời, đúng cách là cần thiết để bệnh nhân không gặp biến chứng.
2. Tránh nước, cữ gió hoặc tắm bằng gốc rạ?
Nhiều người cho rằng khi mắc thủy đậu cần tuyệt đối kiêng cữ gió, nước. Thực tế, việc tránh nước, gió khiến nhiều bệnh nhân bỏ qua việc tắm rửa, vô hình trung thúc đẩy thủy đậu trở nên nặng hơn. Các nốt mụn nước khi bị thủy đậu có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, lúc này việc gãi sẽ làm trầy xước da, làm vỡ các mụn nước gây nhiễm trùng da, là nguyên nhân của những vết sẹo vĩnh viễn. Ngoài ra, những vi khuẩn sống cộng sinh trên da sẽ xâm nhập qua nốt mụn nước bị vỡ gây nhiễm khuẩn tại chỗ, thậm chí viêm da nặng có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp hoặc nhiễm khuẩn huyết. Vì thế, khi bị thủy đậu, việc tắm rửa, vệ sinh cần tiến hành bình thường, chỉ chú ý khi tắm không kỳ cọ mạnh, tránh gây vỡ nốt đậu. Đặc biệt, không sử dụng gốc rạ để tắm hoặc dùng các loại lá để đắp lên vì có thể lây bội nhiễm.
3. Không nhất thiết phải chích ngừa thủy đậu nếu sức khỏe tốt?
Thủy đậu có thể lây từ 1 - 2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết mụn đã đóng vảy, lại chủ yếu qua không khí và tiếp xúc với dịch từ mụn nước nên sẽ rất khó tránh được lây nhiễm, đặc biệt với trẻ em. Trên thực tế, khoảng 80 – 90% số người chưa tiêm phòng vắc xin thủy đậu đều bị mắc bệnh. Việc chủng ngừa thủy đậu không chỉ cần tiến hành với trẻ em, là đối tượng chính của bệnh này, mà còn ở cả người lớn. Những người lớn khi mắc bệnh cũng gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí còn nặng hơn cả trẻ nhỏ nên chích ngừa là hoàn toàn cần thiết. Theo khuyến cáo mới nhất của Ủy Ban An Toàn Tiêm chủng Hoa Kỳ tháng 6/2007, Trẻ em và người lớn cần thiết phải chích ngừa hai liều vacxin để bảo đảm hiệu quả phòng bệnh(2). Việc tiêm ngừa 2 mũi vắc xin thủy đậu không chỉ giúp bản thân tránh được bệnh mà còn ngăn chặn việc lây lan cho những người xung quanh, về lâu dài sẽ giảm được sự bùng phát dịch thường niên.
Thông tin giáo dục này được cung cấp bởi Hội y học dự phòng Việt nam với sự tài trợ của VPĐD GlaxoSmithKline
(1) Nathwani D et al. J Infect 1998; 36 Suppl 1: 59−71
(2) MMRW 2007, vol 56