Có nhiều nguyên nhân gây ứ nước ở thận. Trường hợp viên sỏi nằm ngay niệu quản, nước tiểu không thoát được; còn thận thì vẫn tiếp tục hoạt động, nước thải không thể chảy xuống bàng quang nhiều dần, gây ứ thận, khiến thận phình to.
Một vết sẹo do phẫu thuật niệu quản trước đó cũng có thể chít hẹp đường đi, gây cảnh “ngập lụt” ngoài ý muốn. Vùng bàng quang chứa nước tiểu nếu có sỏi hoặc khối u, cổ bàng quang co bất thường, khiến chủ nhân không thể “xả nước” cũng gây căng đầy bàng quang và ngập ngược lên thận. Cuối cùng là niệu đạo, nếu bị hẹp và viêm nhiễm, nước tiểu không thể thoát ra hết cũng gây thừa nước. Hệ thống này còn có thể bị chèn ép bởi các khối u từ các vùng lân cận như: khối u ở cổ tử cung, tuyến tiền liệt, sa tử cung... U não, tổn thương tủy sống hoặc những khối u, bệnh đa xơ cứng và bệnh đái tháo đường rối loạn chức năng của bàng quang do gây trào ngược bàng quang niệu quản cũng làm thận ứ nước. Nhiễm khuẩn cũng có thể dẫn đến viêm nhiễm và chít hẹp đường tiết niệu, làm thận ứ nước.
Do ứ nước ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của thận, nên ngay khi bị ứ nước cấp tính, thận “gửi” tín hiệu báo động ngay như: đau bụng (cơn đau bụng có thể do sỏi từ thận di chuyển xuống niệu quản gây đau). Đau từng cơn, vị trí đau bắt đầu từ hông lưng hoặc sườn lưng, lan tới háng, kèm theo buồn nôn, nôn và vã mồ hôi. Nguy hiểm nhất là trường hợp thận ứ nước mạn tính, thận sẽ phình to dần và không hề phát tín hiệu “kêu cứu”, đến khi phát hiện thì việc điều trị rất khó khăn.
Theo PGS-TS Vũ Lê Chuyên - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, sỏi thận là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thận ứ nước. Đa số bệnh nhân phát hiện bệnh tình cờ qua siêu âm, đợi đến khi có triệu chứng thì bệnh đã diễn biến sang độ hai - độ ba, việc điều trị khó phục hồi.
Nhiều phương pháp điều trị
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh thận ứ nước, chủ yếu là tạo độ thông thoáng cho hệ thống bài tiết nước tiểu. Sỏi thận, niệu quản, bàng quang… nếu có kích thước nhỏ sẽ được tán sỏi ngoài cơ thể bằng tia laser, không cần phẫu thuật. Tia laser làm cho hòn sỏi vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ li ti, đi lọt qua đường tiết niệu ra ngoài.
Trường hợp niệu quản bị sẹo chít hẹp, có thể đặt nòng giá đỡ (stent) để rộng đường thoát nước. Nếu không đặt được stent, sẽ đặt một ống thông vào thận để rút nước tiểu ra ngoài.
Trường hợp bàng quang bị ứ nước, sẽ đặt ống thông để tháo nước tiểu, giảm áp lực nước trong thận - bàng quang, đồng thời giảm đau cho bệnh nhân.
Phòng từ xa
Để thận “ngập” trong nước sẽ dẫn tới suy thận, muốn điều trị phải chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc. Nếu chạy thận nhân tạo, quãng đời còn lại, người bệnh phải thường xuyên đến bệnh viện hai-ba lần/tuần, mỗi lần bốn tiếng. Nếu thẩm phân phúc mạc, người bệnh không cần đến bệnh viện, nhưng phải thay dịch lọc tại nhà, mỗi ngày ba-bốn lần. Đây là quá trình điều trị mà bệnh nhân phải trải qua nhiều đau đớn và tốn kém, cả tiền bạc lẫn thời gian. Do đó, khám tổng quát, siêu âm bụng định kỳ là cách tốt nhất phát hiện sỏi thận và một số bất thường gây bệnh cho thận ở giai đoạn sớm.
PGS-TS Vũ Lê Chuyên hướng dẫn cách phòng bệnh từ xa: Loại bỏ sỏi bằng cách uống đủ nước mỗi ngày. Giữ gìn vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, cụ thể: nên sống chung thủy một vợ một chồng, dùng nước sạch để vệ sinh, phụ nữ cần lau rửa theo chiều từ trước ra sau.
Như Ý