Rận mu được phóng lớn lên - Ảnh T.L từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư
|
Rận tấn công cả mi mắt
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, gần đây viện tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp rận mu (còn có tên gọi là rận càng cua, rận bẹn...) ký sinh trên cơ thể. Hầu hết bệnh nhân đều sống tại TP.Hà Nội và mới nhất là trường hợp Trần Đình H. (nam, 19 tuổi, ở Q.Tây Hồ, Hà Nội). Suốt 3 tuần liên tục, anh H. này bị ngứa vùng kín, khi đến khám còn mang theo hai con rận nhỏ đựng trong lọ thủy tinh. “Hai côn trùng này được chúng tôi xác định đúng là rận bẹn”, PGS-TS Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, cho biết. Trường hợp khác là ông Nguyễn Văn T. (45 tuổi, ở Q.Hà Đông, Hà Nội) đến điều trị trong tình trạng lông ở vùng kín đã được cạo sạch, nhưng vẫn bị ngứa và gãi suốt về đêm. Sau đó, bệnh lây sang cả người vợ. Ông T. cũng bắt được hai con rận đưa đến cho bác sĩ.
Rận mu ký sinh ở vùng kín cơ thể người - Ảnh: T.L
|
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y VN) cho biết thêm: “Thời gian qua chúng tôi tiếp nhận 8 trường hợp mắc rận bẹn, gồm 2 nữ, 6 nam, đều là người lớn. 3 trường hợp gần nhất là bệnh nhân P.T.N (nữ, 35 tuổi, ngụ Tuyên Quang), Phạm Văn N. (nam, 41 tuổi, ngụ Hà Đông) và T. (nam, 32 tuổi, ngụ H.Kim Động, Hưng Yên), đều có rận ở vùng bẹn (vùng kín), phải gãi liên tục gây lở loét. Rận bám rất chắc ở chân lông, có những vết thâm đen ở da vùng bẹn do rận hút máu để lại… Có nam bệnh nhân rất lo lắng vì cứ nghĩ rằng mình mắc bệnh về nam khoa!”.
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cũng cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường gặp những bệnh nhân bị rận bẹn ký sinh trên người, nhưng về sau này, ở phía nam tình trạng này ngày càng ít gặp hơn. Có thể là do điều kiện vệ sinh của người dân ngày càng tốt hơn”.
Không chỉ ký sinh ở người lớn, rận bẹn còn có thể ngụ trên cơ thể trẻ em. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư từng tiếp nhận bệnh nhi T.V.A (5 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội), vào viện trong tình trạng một bên mi mắt bị rận ký sinh gây đau, ngứa khó chịu. Rận bám sát vào chân mi mắt, khiến bờ mi của cháu nổi cộm. “Chỉ trên một bên mi mắt mà mẹ của cháu bé bắt được gần 20 con rận bẹn!”, PGS-TS Nguyễn Văn Châu cho biết.
Rận mu ký sinh ở mi mắt - Ảnh: T.L
|
Nam bị nhiều hơn nữ
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương cho hay: “Loài rận bẹn thường xảy ra khi điều kiện vệ sinh của ta kém và chỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc, nhất là tiếp xúc qua đường tình dục”. Còn theo lương y Vũ Quốc Trung: “Rận mu khoái ký sinh trên cơ thể nam nhiều hơn nữ, bởi vì do yếu tố lông của phái nam thường cứng, khô và rậm hơn. Ngoài thích sống ở vùng lông mu, rận bẹn còn sống ở tóc, lông mi mắt, lông vùng nách. Rận nằm sâu trong lỗ chân lông, chỉ ló phần đầu ra ngoài và chúng bám rất chặt vào da người. Có bệnh nhân chúng tôi phải dùng vật cứng cạy rận mới bong tróc ra được. Ngoài lây qua đường tình dục, rận bẹn còn có thể bám trên tấm trải giường, quần áo nên cũng lây qua những người khác trong gia đình”. Tương tự, PGS-TS Nguyễn Văn Châu cũng cho biết rận bẹn bám rất chắc vào các gốc chân lông nhờ chúng có chân như chiếc càng cua.
Theo các chuyên gia, rận bẹn có tên khoa học là Phthirus pubis, gây ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 2% dân số thế giới. Loài côn trùng này không có cánh, ký sinh và hút máu cơ thể người, hút nhiều lần trong ngày, sau khi hút máu thường để lại những vết thâm đen và chai cứng; chúng sinh sản rất nhanh (đẻ trứng). Triệu chứng thường gặp là gây ngứa dữ dội, bắt buộc người bệnh phải gãi, nhiễm trùng da…
PGS-TS Nguyễn Văn Châu cho biết thêm, rận bẹn chỉ gây ngứa về ban đêm, sau khi cơ thể hoàn toàn nghỉ ngơi, ngủ say rận mới cào cấu da, hút máu gây ngứa ngáy, khó chịu. Về điều trị, theo ông Châu: “Nếu được xác định chính xác, việc điều trị không khó khăn, nhưng nếu không điều trị dứt điểm, việc gãi ngứa gây trầy xước da có thể dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn”. Còn bác sĩ Võ Thị Bạch Sương cảnh báo: “Điều trị không khó, nhưng loại bệnh này dễ tái phát”.
Rận bẹn Phthirus pubis - Ảnh: Nguyễn Văn Châu
|
Tuyệt chủng ở phương Tây, xuất hiện tại VN
Việc điều trị rận mu thường sử dụng các thuốc uống, thuốc bôi để diệt rận, cộng với phải cạo tẩy sạch lông vùng có rận; vệ sinh cơ thể sạch sẽ; giặt tẩy sạch sẽ đối với tấm trải giường, quần áo, vải bọc ghế sofa... Lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm, một số cách dân gian dùng trị rận có thể dùng cho người ở vùng xa như: dùng lá xoan còn tươi giã nát lấy nước bôi lên vùng có rận (đã cạo sạch lông, vệ sinh sạch trước); hoặc dùng cây ruốc cá đập dập lấy nước thoa lên vùng có bệnh.
Theo website của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có thể dùng thuốc bôi chứa 1% permethrin hoặc chứa dược phẩm gốc pyrethrin và piperonyl butoxide, không nên dùng dầu gội gốc lindane ngay từ đầu, vì nó độc hại đối với não và các phần khác của hệ thần kinh trung ương. Chỉ sử dụng loại này nếu các phương pháp điều trị khác thất bại, nhưng tránh áp dụng cho trẻ em. Một điều thú vị là ở các nước phương Tây, rận mu đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì xu hướng tẩy lông vùng kín.
T.Tùng - L.Châu - Phi Yến
|
Theo Thanh Niên