Ruốc giả từ sắn dây
Ruốc hay còn gọi là chà bông là một loại thức ăn khô được chế biến từ thịt lợn nạc, thịt gà bỏ xương và da, cá rút xương, bỏ da hoặc tôm to bóc vỏ, vứt bỏ đầu. Tùy theo loại nguyên liệu đem chế biến mà có các tên gọi tương ứng như ruốc lợn, ruốc gà, ruốc cá, ruốc tôm, ruốc bò. Món ăn đó từ lâu được coi là món ăn tiện dụng, khá dinh dưỡng cho những người ít thời gian, thế nhưng hiện nay đang tràn lan thực phẩm ruốc giả làm từ sắn dây.
Nhận biết ruốc giả: Nếu không tinh ý sẽ khó có thể phân biệt được đâu là ruốc giả - ruốc thật. Nhìn kỹ, bạn sẽ thấy ruốc làm từ bã sắn dây thường có màu nhờ nhờ, nhạt nhạt. Khi cho vào nước, thực phẩm giả này sẽ mềm nhũn nhanh chóng, dần chuyển từ màu vàng ươm về màu trắng bợt giống bã sắn dây. Sợi ruốc giả thường to, tròn hơn so với ruốc thật và không bông, tơi xốp như đồ thật. Khi ăn, ruốc giả có vị chát hoặc ngọt lạ nhờ hương liệu, bột ngọt, foocmon ngâm tẩm chứ không có vị ngọt thơm của thịt. Đặc biệt, sợi ruốc sắn dây càng nhai càng thấy rất dai.
Khi ăn, ruốc giả có vị chát hoặc ngọt lạ nhờ hương liệu, bột ngọt, foocmon ngâm tẩm chứ không có vị ngọt thơm của thịt (Ảnh minh họa)
Mực giả từ sắn dây
Mực khô là một món ăn đặc trưng của ẩm thực Việt Nam được chế biến từ nguyên liệu là những con mực bằng phương pháp sấy khô, phơi nắng. Sau khi đánh bắt mực, người ta sẽ bỏ hết cơ quan phủ tạng của chúng, chỉ để lại phần thân và phần đầu rồi đem phơi nắng cho đến khi con mực trở nên khô và cứng. Họ đem đóng gói thành sản phẩm. Thế nhưng trên thị trường hiện nay cũng xuất hiện tràn lan mực giả được làm từ sắn dây.
Mực khô giả có kích thước nhỏ hơn, hình thù gần giống lá trầu (Ảnh minh họa)
Mực giả được làm từ bột gạo, củ sắn dây, bột sắn. Mực khô giả có kích thước nhỏ hơn, hình thù gần giống lá trầu. Phần phía đuôi mực khô dễ dàng bóc ra do được dính bằng keo. Quan sát kỹ, phần râu mực không có độ quăn tự nhiên như mực bình thường, không có mắt mực và hạch mực tự nhiên. Khi xé ra, mực tơi xốp, bở hơn mực bình thường.
Tác hại: Bã sắn dây là một loại chất xơ bỏ đi. Khi chúng biến thành ruốc, thứ “bỏ đi” đó được tẩm ướp thêm hương liệu, chất phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng và đã độc nay càng độc hơn, chúng dễ bị
nhiễm khuẩn.
Cụ thể, ngoài việc chúng không mang lại chất dinh dưỡng gì, chúng còn gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, cản trở hấp thu chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trẻ nhỏ bộ máy tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị tổn thương. Trẻ có thể bị sặc, hóc do sợi ruốc bã sắn dây thường dai hơn bình thường.
Không những thế, những thực phẩm giả làm từ sắn dây, bột gạo cần một lượng foocmon không nhỏ để bảo quản. Đây là một chất hữu cơ rất độc, được sản xuất rộng rãi trong công nghiệp. Chúng tạo thành những hợp chất bền, không thối rửa, không ôi thiu, nhưng rất
khó tiêu hóa. Nếu sử dụng nhiều, niêm mạc mắt của người dùng bị kích thích, đỏ. Chúng còn có tác hại gây viêm nhiễm đường hô hấp trên (chảy mũi, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổi). Gây viêm da dị ứng, nổi mề đay, làm chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng... Khi tiếp xúc, hoặc ăn phải với một hàm lượng cao có thể gây tử vong. Foocmon là tác nhân gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể: gia tăng tỷ lệ ung thư xoang mũi, ung thư đường hô hấp đặc biệt là mũi, họng, phổi, ung thư đường tiêu hóa...
Mực, thịt bò khô, bạch tuộc, trứng gà non giả làm từ cao su
So sánh với mực khô thật, phần lưng của mực đỏ nhạt khi luộc lên chừng dăm phút sẽ chuyển thành màu trắng hồng, nhưng mực giả bằng cao su có phần lưng lại có màu đỏ tía, bất thường, luộc cả tiếng đồng hồ màu này vẫn không phai. Sau khi luộc mực thật thơm mùi mực và dai nhưng mực giả thì không còn mùi và rất bột, bở. Mực giả khi chưa luộc có độ đàn hồi rất cao, co giãn mạnh khi dùng tay kéo.
Đặc biệt khi nướng, mực không cong vào tự nhiên mà vẫn thẳng đuỗn như lúc để khô, không cháy từ ngoài vào trong như cá mực bình thường. Nếu nhìn bằng mắt thường, ít ai có thể phân biệt được mực khô giả và mực khô thật vì về hình thức, hai loại giống hệt nhau. Chỉ khi nướng lên ăn mới phân biệt được vì có vị khác. Đặc biệt khi nướng mực cao su, mực có mùi nhựa cháy.
Khô bò hay thịt bò khô là thịt bò lọc bỏ mỡ, đem ướp gia vị mặn ngọt rồi sấy khô ở nhiệt độ thấp (khoảng 70°C). Đó là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Thực phẩm này hiện nay cũng được làm giả nhiều từ cao su. Nhìn bề ngoài, những miếng thịt bò này không có gì bất thường, chỉ đến khi đưa vào miệng nhai mới phát hiện thịt dai, những sợi thịt có thể kéo dài như dây thun. Nếu dùng lửa kiểm tra, miếng thịt bắt lửa nhanh chóng và có mùi khét, cùng với muội than rơi xuống giống hệt như khi đốt cao su hay nhựa ni lông.
Thực phẩm này hiện nay cũng được làm giả nhiều từ cao su (Ảnh minh họa)
Không chỉ có mực, thịt bò và trứng được làm giả từ cao su, ngay đến cả bạch tuộc cũng được làm giả. Bạch tuộc giả nhìn bằng mắt thường thì khó phát hiện, chỉ khi dùng dao cắt những con bạch tuộc này thì phát hiện có dấu hiệu khác thường, bởi chúng rất dai, đưa lên mũi ngửi cũng không thấy có mùi tanh như loài bạch tuộc thông thường.
Khi cắt bạch tuộc để nướng, chúng không thấy có mùi vị gì cả, chỉ co nhúm lại như một cục mủ cao su. Thậm chí khi đưa chỗ bạch tuộc này để gần đống rác nhưng cũng không có một con ruồi nào đến đậu - khác hoàn toàn với những con mực thật khác. Chúng có màu xám trắng, nhợt nhạt như hàng bị ươn. Hơn nữa, phần thân của bạch tuộc mỏng và không rõ hình dáng. Râu của bạch tuộc giả rất dài, mềm nhũn…
Thậm chí khi đưa chỗ bạch tuộc này để gần đống rác nhưng cũng không có một con ruồi nào đến đậu (Ảnh minh họa)
Trứng gà non là một thực phẩm rất bổ dưỡng và chúng hiện nay đang được làm giả rất nhiều từ cao su. Nhìn qua, chúng như thạch, mịn, lòng đỏ trứng không xốp và bột như trứng thường. Trứng giả có độ đàn hồi, uốn cong như cao su, vị nhạt, nhìn bên ngoài, những quả
trứng giả này rất khó phân biệt với trứng thường.
Trứng giả có độ đàn hồi, uốn cong như cao su, vị nhạt (Ảnh minh họa)
Tác hại: Nếu người tiêu dùng vô tình ăn các loại thực phẩm làm giả từ nhựa và cao su này một thời gian dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ, thần kinh không ổn định, và những vấn đề về não, hoặc gây đau dạ dày, ung thư, chảy máu dạ dày... Loại nhựa tổng hợp làm ra những loại thực phẩm giả này cũng rất độc hại đối với cơ thể người, về lâu dài sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Ăn những chất độc này là một trong những yếu tố gây ra sai lệch, và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai sử dụng có thể bị ảnh hưởng lên sự phát triển của bào thai, sinh con quái thai, dị dạng.
GS-TS Bùi Minh Đức - Phó chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, bã sắn dây là mặt hàng thải loại, không còn chất dinh dưỡng. Bản thân bã sắn dây không độc hại nhưng qua quá trình tẩm ướp, chế biến, đặc biệt là sử dụng các loại phẩm màu không đảm bảo vệ sinh có thể có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm ruốc trên thị trường. Theo đó, hơn 50% số mẫu kiểm tra không đạt về hàm lượng chất tạo ngọt hóa học, chất bảo quản và nhiễm E.coli. (Kenh14)