Riêng với lớp da thì cặp bài trùng sinh tố A và E bao giờ cũng đứng đầu đơn đặt hàng. Lý do là vì sinh tố A bảo vệ cấu trúc của da trước kích ứng từ độc chất ngoại lai cũng như nội sinh, vì sinh tố E xúc tác tiến trình phục hồi da. Nhờ đủ sinh tố A và E mà mặt da không khô, da không tái mét vì dưới da thiếu dưỡng khí, da ít nhăn nhờ sợi collagen được tổng hợp, tế bào hắc tố không tập trung gây tàn nhang. Thiếu sinh tố A và E thì ngay người trưởng thành vẫn nổi mụn, người mãn kinh khó tránh nám da, người phải dang nắng dễ bị viêm da.
Chính vì thế cần bổ sung sinh tố A và E trước khi thiếu hụt 2 chất này trong nguồn dự trữ. Muốn vậy cần biết gia chủ có thuộc nhóm dễ hụt vốn hay không? Không quá khó nếu độc giả dựa vào bảng thăm dò dưới đây, bằng cách trả lời các câu hỏi với ĐÚNG (Đ) hay SAI (S) rồi sau đó tổng kết số câu đã trả lời để có kết quả.
Cơ quan nào cũng cần sinh tố. Khác nhau chỉ ở chỗ loại sinh tố nào quan trọng tùy theo chức năng cá biệt
Bạn dễ thiếu sinh tố A?
1. Bạn hút thuốc? (Đ) (S)
2. Bạn thường uống rượu bia mỗi ngày? (Đ) (S)
3. Bạn phải làm việc ngoài trời? (Đ) (S)
4. Bạn không quen ăn cải hơn 2 lần trong tuần? (Đ) (S)
5. Bạn ít khi ăn trái cây nhiều hơn 2 lần trong tuần? (Đ) (S)
6. Bạn thường bị quáng gà? (Đ) (S)
7. Bạn làm việc với máy vi tính nhiều hơn 4 giờ mỗi ngày? (Đ) (S)
8. Bạn dễ bị viêm họng? (Đ) (S)
9. Bạn hay bị nứt nẻ gót chân? (Đ) (S)
10. Bạn đang có thai hay đang cho con bú? (Đ) (S)
Nguồn dự trữ sinh tố E của bạn dễ bị thiếu hụt?
1. Bạn đang được điều trị vì bệnh tim mạch? (Đ) (S)
2. Bạn dễ bị phù nề tay chân? (Đ) (S)
3. Bạn ít chơi thể thao? (Đ) (S)
4. Bạn phải làm việc thường xuyên dưới trời nắng gắt? (Đ) (S)
5. Bạn phải làm việc trong môi trường ô nhiễm? (Đ) (S)
6. Bạn hút thuốc? (Đ) (S)
7. Bạn ít khi dùng dầu ăn thực vật? (Đ) (S)
8. Bạn không quen ăn các loại mễ cốc như đậu phộng, hạt bí rợ, hạt điều? (Đ) (S)
9. Bạn theo chế độ kiêng khem để làm ốm? (Đ) (S)
10. Bạn ăn chay trường? (Đ) (S)
Chỉ cần hội đủ 6 câu đúng trong mỗi bảng thì bạn đã đến lúc phải lưu ý bổ sung sinh tố A và E tương ứng. Thường khó thiếu với chế độ dinh dưỡng cân đối và đa dạng với rau quả, dầu thực vật... nhưng một khi đã thiếu thì chỉ ăn uống e khó bù, thường phải dùng thuốc.