Bộ ba gây mù lòa
Đáy mắt hay còn gọi là võng mạc, là nơi có các tế bào thần kinh nhận hình ảnh để đưa lên não xử lý. Đáy mắt như tấm kính, thông qua đó não thu nhận hình ảnh bên ngoài. Có ba bệnh lý đáy mắt gây mù thường gặp là: thoái hóa hoàng điểm (THHĐ) ở người cao tuổi, phù hoàng điểm ở bệnh nhân đái tháo đường và tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm.
- THHĐ thường gặp ở người trên 50 tuổi, người bị tăng mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường. Càng lớn tuổi, tỷ lệ mắc bệnh càng cao, phụ nữ sống thọ hơn nên có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Triệu chứng: Nhìn thấy méo hình, có điểm đen ở chính giữa hoặc mất hình.
Bệnh có hai thể: THHĐ thể khô vàTHHĐ thể ướt.
THHĐ thể khô tiến triển từ từ, từ một điểm mờ ở vùng trung tâm của hình ảnh, điểm mờ này sẽ ngày càng lớn hơn và tối hơn. Thể ướt nguy hiểm hơn, phần lớn dẫn đến mù lòa với các triệu chứng đột ngột. Bệnh nhân có thể bị một mắt, sau đó vài năm mới bị mắt thứ hai hoặc có thể bị cả hai mắt cùng lúc. Bệnh vào giai đoạn cuối thì không thể điều trị.
- Phù hoàng điểm của bệnh đái tháo đường hay còn gọi là võng mạc tiểu đường là bệnh có biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ khi điều trị bệnh đái tháo đường luôn cảnh báo với bệnh nhân, ngay cả những người bệnh tuổi đời còn rất trẻ.
Bệnh có nhiều giai đoạn: Giai đoạn sớm thành mạch máu yếu, phình to, dịch và máu như làn sóng thấm qua thành mạch, gây ra các đốm xuất huyết.
Giai đoạn nặng hơn, võng mạc sẽ bị thiếu máu do mạch máu nhỏ bị nghẽn. Các sợi thần kinh võng mạc bị phù nề, gây ra phù hoàng điểm.
Giai đoạn nặng, bên cạnh sự thiếu máu, có các mạch máu mới được tạo ra (mạch máu tân sinh) nhưng thành mạch yếu, dễ vỡ, tạo sẹo làm bong võng mạc. Võng mạc bong, phù hoàng điểm, hoặc tăng nhãn áp… Nếu không điều trị kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc cũng có thể gây mù. Những người có tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu và bị các bệnh lý tim mạch dễ mắc bệnh do máu đặc. Bệnh làm giảm thị lực, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Bệnh xuất hiện đột ngột, tự dưng mắt kèm nhèm như một lớp sương mù trước mắt, hoặc vùng nhìn bị thu hẹp, sau đó hai-ba ngày sẽ nhận thấy mắt mờ. Điểm đáng ngại là các triệu chứng xuất hiện đột ngột, nhanh chóng, không đau, đỏ, chảy nước mắt nên người bệnh dễ xem thường. Soi đáy mắt, bác sĩ sẽ thấy hình ảnh tĩnh mạch võng mạc dãn không đều, động mạch thu hẹp… biến chứng nặng của bệnh là teo thần kinh thị giác gây mù.
Phòng bệnh
Để giữ “sức khỏe” đôi mắt đến cuối đời, cần có sự tập luyện, chẳng hạn đi bộ 150 phút mỗi tuần. Nếu bị bệnh cao huyết áp cần ăn uống theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Người bị tăng mỡ trong máu ngoài năng vận động cần ăn uống thanh đạm, bớt các món chiên, các loại nước xốt béo, các loại nội tạng, da gà vịt, da heo quay… Chế độ ăn nhiều rau quả, trái cây chứa sinh tố A, nhiều chất chống oxy hóa cũng giúp cho mắt tinh tường. Riêng người bị bệnh tiểu đường, các nhà khoa học nhận thấy sau 5 năm sẽ xuất hiện biến chứng ở mắt. Kiểm soát đường huyết tốt chỉ có giá trị kìm hãm bệnh, buộc nó “chậm dần đều” chứ không ngăn cản được. Điều cần biết là bệnh có thể tiến triển nhanh hơn khi mang thai, cao huyết áp, béo phì…
BS Trần Thị Phương Thu - BV Mắt Kỹ thuật cao Phương Nam TP.HCM khuyên: “Nên đi khám tổng quát và điều trị các bệnh dẫn tới bệnh đáy mắt như: cao huyết áp, mỡ trong máu, đái tháo đường… Để phát hiện bệnh đáy mắt có các kỹ thuật: chụp mạch huỳnh quang, chụp cắt lớp võng mạc… Khi đã bị bệnh, cần điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa”.
theo phunuonline.