Trong những ngày qua, vấn đề có nên cho phép việc chuyển đổi giới tính vào Luật hay không đang được rất nhiều người quan tâm. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của những người “nửa nam, nửa nữ” mà còn liên quan đến vấn đề nhân quyền và bình đẳng.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) về vấn đề này.
- Thưa ông! Bộ Y tế đang hoàn thiện bản góp ý cho dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi, trong đó đề cập nội dung thực hiện chuyển đổi giới tính. Vậy thực chất của vấn đề này là như thế nào?
- Hiện nay đang có 2 phương án về CĐGT, thứ nhất là nhà nước không thừa nhận việc CĐGT và thứ 2 là trong một số trường hợp nhất định thì cho phép việc CĐGT dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, là có 2 trường phái đó là cho phép và không cho phép.
TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)
Để có quyết định cuối cùng thì cơ quan chức năng phải xin ý kiến của nhân dân trong đó có các bộ ngành về vấn đề này.
Riêng đối với Vụ pháp chế (Bộ Y tế) dưới góc độ là cơ quan giúp việc của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ căn cứ trên phương diện pháp luật, đạo đức và nhân văn để đưa ra đề xuất cho việc có đồng ý hay không.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, có gần nửa triệu người có giới tính “cả nam và nữ”, tức là những người mang cơ thể nữ nhưng trong tư tưởng, hành vi lại là nam và ngược lại. Đối với những người này họ mong muốn được CĐGT để sống thực với tư tưởng, hành vi và hình thể của mình.
Tuy nhiên, do pháp luật Việt Nam hiện nay chưa cho phép nên có khoảng 500 đến gần 1.000 người ra nước ngoài để thực hiện chuyển đổi giới tính.
Đây là nhu cầu có thật trong thực tiễn cuộc sống. Chính vì lý do đó, chúng ta phải xem xét, nếu như pháp luật không cho phép thì những người này sẽ sống như thế nào.
- Vậy nếu pháp luật không cho phép thì sẽ dẫn đến những hệ lụy gì thưa ông?
- Nếu không cho phép thì những người này sẽ không sống thật được với giới tính của mình. Vấn đề ở Việt Nam hiện nay là nếu không cho phép cứ để họ sống như vậy thì họ sẽ bị tổn thương về mặt tinh thần và sẽ có sự kì thị.
Ngoài ra, nếu không cho phép thì những người này sẽ ra nước ngoài để thực hiện CĐGT. Như vậy sẽ gây tốn kém về mặt kinh tế và không an toàn. Sẽ có những đường dây đưa người sang nước ngoài để CĐGT ở những cơ sở mà chúng ta hoàn toàn không biết nước bạn có cho phép hay không và kết quả sẽ có những rủi do, trong đó lớn nhất là tử vong.
Hơn nữa, đối với những người đã đi thực hiện CĐGT xong về Việt Nam sẽ có những bất cập, bởi trên giấy tờ là nam nhưng hình thể lại là nữ. Điều này sẽ rất khó khăn trong các quan hệ dân sự…
- Đặt ra một giả thuyết là Quốc hội thông qua việc chuyển đổi giới tính vào trong Luật thì sẽ có những khó khăn gì đặt ra?
- Trong trường hợp cho phép CĐGT thì cũng có một số khó khăn nhất định. Ví dụ như người phẫu thuật chuyển đổi giới tính phải tiêm hóc môn liên tục… Ngoài ra, phải trải qua các cuộc phẫu thuật, can thiệp y học…, với việc sử dụng hóc môn này sẽ dẫn đến nguy cơ bị ung thư rất lớn.
Vấn đề thứ hai, khi cho phép phẫu thuật CĐGT, người phẫu thuật chuyển đổi sẽ bị giảm 20 năm tuổi thọ. Ngoài ra, những người CĐGT sẽ không có con, hoặc trong trường hợp có con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản thì đứa con ra đời việc gọi bố hay mẹ là vô cùng khó khăn.
Mặt khác, với những người chuyển giới đó không bao giờ thỏa mãn về nhu cầu tình dục vì các bộ phận “ấy” được nhân tạo mà thành chứ không phải tự nhiên.
- Dưới góc độ là một người đứng đầu cơ quan soạn thảo các dự thảo luật liên quan đến vấn đề y tế (Vụ Pháp chế - Bộ Y tế), ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của Dự thảo luật này?
- Từ những vấn đề trên, chúng ta cũng phải tính cái được, cái không được trên cơ sở của quyền con người và trên cơ sở hình dáng con người. Hơn nữa, khi đưa ra một điều luật thì phải đặt mưu cầu hạnh phúc và lợi ích của số đông lên trên lợi ích của cá nhân.
Ví dụ như không cho phép sẽ ảnh hưởng rất lớn đến 1 cộng đồng gồm nửa triệu người. Nhưng nếu như cho phép, những người này có nguy cơ bị ung thư hay tử vong sớm, tuy đó chỉ là hành vi cá nhân nhưng chúng ta cũng cần phải có cân nhắc về khía cạnh pháp luật, đạo đức để nên cho phép như thế nào.
Dưới góc y tế thì chúng ta có thể thực hiện được và nếu như không cho phép thì vô tình đẩy họ thành con người vô hình và điều này đứng về phương diện quyền con người thì trong lương tâm chúng ta cũng thấy tội cho họ.
Bởi vậy, chúng tôi cũng dự kiến đề nghị với Quốc hội xem xét việc cho phép - thừa nhận việc CĐGT đối với những trường hợp này.
- Nếu cho phép thì những trường hợp nào sẽ được phẫu thuật chuyển đổi?
- Những người được phép phẫu thuật phải thông qua công tác khám về: gen, di truyền, tâm lý, hành vi. Đặc biệt là yếu tố tâm lý. Nếu thấy đúng là có những yếu tố tâm lý phù hợp thì sẽ được phép phẫu thuật CĐGT, còn vấn đề người ta có chuyển hay không quyền của cá nhân họ.
Tuy nhiên, pháp luật cũng phải có điều ngăn cấm về lệch cảm đối với hành vi, tức là bản thân mình hoàn thiện về giới tính và mình không có tâm lý về hành vi của nam hay nữ, nhưng có thể do đua đòi mà chuyển sang nữ hoặc nam thì phải loại trừ.
- Vậy khi đồng ý cho CĐGT thì những vấn đề về mặt dân sự sẽ được giải quyết như thế nào?
Về vấn đề này, nếu ta cho phép chuyển đổi giới tính, cơ quan y tế sẽ xác nhân ông Nguyễn Văn A. có chứng minh nhân dân có giới tính là nam và đã được chuyển đổi sang nữ vào ngày…tháng…năm...
Trên cơ sở giấy tờ đó người chuyển đổi sẽ ra UBND cấp có thẩm quyển thay đổi lại toàn bộ hộ tịch, bắt đầu từ cái gốc là thay đổi giấy khai sinh từ đó sẽ thay đổi lại toàn bộ hồ sơ… Lúc đó, trách nhiệm sẽ thuộc về cơ quan hộ tịch và các cơ quan khác.
theo khampha.vn