Loại ma túy krokodil giá rẻ làm thối rữa da thịt và giết chết người sử dụng chỉ trong vòng 2-3 năm đã bắt đầu lan đến Mỹ, khi những trường hợp đầu tiên được phát hiện ở bang Arizona vào cuối tuần qua.
Krokodil là một dạng ma túy với thành phần chính là desomorphine – một dẫn xuất của morphine, nhưng mạnh hơn từ 8-10 lần với cùng liều lượng.
Thông thường, krokodil được tổng hợp từ một số hợp chất gồm thuốc giảm đau chứa codeine trộn lẫn với các phụ gia như iốt, xăng, dầu, dầu pha sơn và phốtpho đỏ bao bọc đầu que diêm.
Krododil có giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với heroin. Bởi với thành phần đơn giản, con nghiện có thể tự pha chế thủ công krokodil ngay tại nhà để sử dụng. Krokodil cũng có khả năng gây “phê” như heroin, dù thời gian tác dụng ngắn hơn, chỉ kéo dài khoảng 90 phút.
Krokodil có nghĩa là “cá sấu” trong tiếng Nga, bắt nguồn từ tác hại của loại ma túy giá rẻ độc hại này làm cho vùng da xung quanh vết tiêm chích của các con nghiện đổi màu xanh nhợt, rồi tróc vảy sần sùi giống như da cá sấu.
“Loại ma túy này dù đã được lọc, nhưng vẫn còn sót dầu hoặc xăng bên trong. Nếu tiêm chỉ một chút vào mạch máu cũng sẽ gây ra những tổn hại cực kỳ nghiêm trọng đối với cơ thể” – bác sĩ Frank LoVecchio, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát độc Banner ở Arizona, Mỹ – cảnh báo.
Sử dụng krokodil liên tục sẽ làm các mạch máu bị vỡ, khiến vùng da quanh vết tiêm chích trở nên xanh nhợt và chết dần, tróc vảy như vảy cá sấu, dần dần sẽ lở loét, thối rữa và dẫn tới hoại tử.
Khi “phê”, con nghiện sẽ không cảm thấy cảm thấy đau đớn gì, nhưng khi hết thuốc, họ sẽ phải chịu đựng sự hành hạ thể xác kinh khủng. Để hết đau, họ lại chích thuốc và sẽ càng ngày càng nghiện nặng hơn rồi chết dần chết mòn vì bị krokodil “ăn thịt”. Hậu quả đầu tiên đối với các con nghiện krokodil thường là bị hoại tử, dẫn đến phải cắt cụt tay, chân.
Với những con nghiện thường tiêm chích vào động mạch cổ, chất axít có trong krokodil sẽ dần dần phá hủy phần mô xương xốp, đặc biệt là ở hàm dưới, gây ra bệnh “hàm Phossy” làm lợi thối rữa và răng rụng hết.
Theo các bác sĩ, người nghiện krokodil chỉ có thể sống trung bình từ 2-4 năm sau khi nghiện, trong khi người nghiện heroin thông thường có thể kéo dài sự sống thêm 5-7 năm.
Điều đáng sợ là loại krokodil giá rẻ này khó cai hơn các loại ma túy khác. Tiến sĩ Artyom Yegorov – làm việc tại một trung tâm cai nghiện ma túy ở Nga – cho biết: “Krokodil gây nghiện nặng nhất. Những người nghiện krokodil là những người khó cai nghiện nhất. Những cơn thèm heroin có thể kéo dài 5-10 ngày, nhưng cơn thèm krokodil kéo dài hàng tháng, kèm theo sự đau đớn không ai chịu nổi”.
Với tác hại khủng khiếp và khó cai nghiện như vậy, krokodil đã được Tạp chí Time gọi là “loại ma túy kinh khủng nhất thế giới”.
Ma túy “ăn thịt người” lan tràn
Đôi chân của một nạn nhân khác sau khi sử dụng krokodil. – Ảnh: LiveSience.
Hai trường hợp được đưa vào Trung tâm Kiểm soát độc Banner ở Arizona, Mỹ cấp cứu tuần trước đều có triệu chứng da sần sùi tróc vảy như da cá sấu với nhiều mảng thịt lở loét hở cả xương. Bác sĩ Frank LoVecchio – Giám đốc trung tâm – cho biết: “Như tôi được biết, đây là những trường hợp dùng krokodil đầu tiên ghi nhận được tại Mỹ và chúng tôi rất lo ngại”.
Ở Nga, krokodil là loại ma túy rất phổ biến từ cả chục năm nay. Các con nghiện có thể dễ dàng mua thuốc giảm đau codein – thành phần chính của krokodil – ở bất cứ đâu và tự bào chế ra loại ma túy “phê” không kém heroin với số tiền rẻ hơn nhiều, lại không lo bị cảnh sát “sờ gáy”. Chính vì thế, nhiều con nghiện dù biết tiêm chích krokodil đồng nghĩa với việc tự tiêm thuốc độc vào cơ thể mình, nhưng vẫn chuyển từ heroin sang dùng krokodil.
Irina Pavlova – một con nghiện krokodil người Nga đã cai nghiện – cho biết, cô đã chích krokodil gần như hằng ngày suốt hàng năm trời. Loại ma túy giết người này đã làm tổn hại não, khiến cô gặp khó khăn trong việc diễn đạt lời nói và khả năng điều khiển hành vi. Cô có chừng hơn chục bạn nghiện, trong đó có cả người anh trai. “Giờ đây họ gần như chết cả rồi” – Irina nói. – “Một số người bị viêm phổi, nhiễm độc máu, một số khác bị nhồi máu cơ tim, viêm màng não, những người khác thì bị hoại tử”.
Khác với Irina đã cai nghiện và dần hồi phục, nhiều con nghiện từ chối cả việc đến bệnh viện. Tờ Independent cho biết, một phụ nữ Nga nghiện krokodil đã không chịu đến bệnh viện, dù “da thịt cô ấy lở loét và cô ấy gần như không thể di chuyển được”.
Krokodil xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào năm 2002 ở Siberia và vùng Cận Đông. 3 năm trở lại đây, cơn nghiện krokodil lan rộng khắp nước Nga với tốc độ chóng mặt, bùng nổ thành đại dịch. Chính phủ Nga đã rất nỗ lực để ngăn chặn cơn nghiện krokodil. Năm 2011, Nga đã thu giữ 65 triệu liều krokodil; nhưng số lượng người nghiện vẫn gia tăng.
Theo Reuters, trong năm 2010 đã có gần 1 triệu người Nga sử dụng krokodil và hiện Nga có khoảng 2 triệu người nghiện loại ma túy giết người này. Khu vực có số con nghiện tăng nhanh nhất là những vùng xa xôi và nghèo nàn như Vorkuta gần cực Bắc. Tính trung bình, mỗi năm có 30.000 người nghiện ma túy chết, trong đó gần một nửa là do krokodil.
Hiện nay, đại dịch này không chỉ còn bó hẹp trong nước Nga, mà bắt đầu lan sang Châu Âu và Mỹ. Trước 2 trường hợp dùng krokodil vừa bị phát hiện tại Arizona, Mỹ, đã có nhiều con nghiện tử vong ở Đức có triệu chứng của người sử dụng krokodil. Cơ quan Chống ma túy quốc gia của Cộng hòa Séc cũng có cảnh báo đặc biệt về sự nguy hại chết người của loại ma túy “ăn thịt người” krokodil này.