1. Xoang và tai
Đây có lẽ là tình trạng sức khỏe thường gặp nhất ở hành khách. Xoang bị ảnh hưởng rất mạnh khi bay vì thay đổi áp lực nhanh chóng đột ngột lúc cất cánh và hạ cánh. Người bị sưng hoặc nghẽn xoang có thể bị đè ép rất mạnh hoặc bị đau khi bay. Vài bệnh nhân thậm chí còn bị khó thở, ngạt thở khi không khí trong xoang tìm đường thoát ra ngoài.
Nếu bạn bị vấn đề về xoang trước khi bay, bạn nên chuẩn bị trước. Vào buổi sáng trước chuyến bay, bạn nên bơm xịt thuốc làm thông mũi. Sau đó, 2 tiếng trước khi bay, bạn dùng thuốc thông mũi 12 giờ Sudafed. Khoảng 30 phút trước khi cất cánh, bạn nhỏ Afrin 2 hoặc 3 lần vào mỗi mũi và giữ thuốc này bên cạnh nếu cần dùng.
Bạn cũng có thể mút kẹo hoặc nhai kẹo cao su để cân bằng áp lực trong khoang so với trong máy bay. Bạn có thể dùng đồ bịt tai giảm áp lực. Nhưng nếu có vấn đề về xoang và tai quá nghiêm trọng, bạn nên hoãn chuyến bay.
2. Răng
Áp lực trong khoang máy bay cũng có thể ảnh hưởng đến răng. Vết nhiễm trùng, sâu răng không được chữa trị có thể khiến khí tích tụ trong xương hàm bạn, gây nên đau đớn và làm nhiễm trùng trầm trọng hơn. Ở hàm dưới, cơn đau nhức có thể gây khó chịu ở tai hoặc hàm, trong khi ở hàm trên thì sẽ gây ra đau khoang mũi.
Thay đổi áp lực thậm chí còn có thể khiến răng bình thường đột nhiên trở nên vô cùng đau đớn, đặc biệt là khi cất cánh và hạ cánh. Những "mẹo" làm giảm áp lực cho xoang như nhai kẹo cao su hay nuốt không thể làm giảm đau răng. Lúc này, bạn chỉ có thể dùng thuốc giảm đau.
Cách tốt nhất để phòng tránh tình trạng này là bạn nên đi khám nha sĩ vài tuần trước khi bay, để có thời gian chữa trị các vấn đề về răng nếu có.
3. Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên là hoạt động kéo, giật chân liên tục không thể kiềm chế được. Hội chứng này có thể xấu đi và trầm trọng hơn khi ở trong không gian chật chội hoặc người không được hoạt động.
Hội chứng này thường xấu hơn vào chiều tối, nên bạn có thể đặt chuyến bay vào ban ngày. Để kiềm chế hội chứng này trong khi bay, bạn nên mát xa chân, bước qua lại trong khoang, dùng đồ chườm lạnh, chú tâm vào hoạt động trí óc như chơi đố chữ…
4. Mất ngủ
Bệnh nhân bị mất ngủ gặp khó khăn trong việc điều khiển não bộ nghỉ ngơi trong thời gian ngủ, có thể trầm trọng hơn vì sự căng thẳng trong khi bay. Nếu bay qua những múi giờ khác, não và đồng hồ sinh học của cơ thể có thể không đồng bộ được với thời gian bên ngoài, vì thế càng làm triệu chứng mất ngủ nghiêm trọng thêm.
Để giảm ảnh hưởng của việc bay với giấc ngủ, bạn nên ngủ theo đúng giờ bình thường của bạn, dù là đêm hay ngày, và nếu cần, có thể dùng thuốc ngủ được kê đơn của bác sĩ.
5. Vấn đề về ruột
Áp lực trong khoang máy bay khi bay lên cao có thể khiến khí trong cơ thể "nở ra" khoảng 30%, gây nên đau bụng và các vấn đề khác cho những người đã có bệnh viêm tắc ruột, viêm ruột thừa hoặc vừa phẫu thuật. Điều này càng trở nên rắc rối hơn nếu bạn vừa trải qua phẫu thuật bao tử.
Bạn nên đợi ít nhất 2 tuần sau khi phẫu thuật để bay. Tuy nhiên, các vấn đề đường ruột nhỏ khác như tiêu chảy hoặc táo bón thường không gây rắc rối nhiều lắm.
6. Hen suyễn
Áp lực trong khoang máy bay ở độ cao lớn có thể tương đương như khi ở trên một ngọn núi. Áp lực này làm giảm bão hòa oxy trong máy hành khác, và cùng với độ ẩm thấp trên máy bay, có thể làm khô đường phế quản, kích động một cơn hen suyễn.
Ngoài việc dùng bình thở oxy có sẵn trên máy bay, bệnh nhân hen suyễn nên bước khoảng 150 bước trước khi bay, và leo lên thang máy bay mà không bị đau ngực hoặc hơi thở ngắn lại. Nếu hen suyễn được kiểm soát, bạn có thể an toàn khi bay, dù bạn vẫn luôn nên đem theo thuốc hít và uống nước đầy đủ.