Hiện tượng đau vai gáy là căn bệnh phổ biến của những người có công việc phải thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính, nhất là với những người có thói quen chơi game.
Biểu hiện của đau vai gáy do ngồi lâu trước máy tính là các cơn đau ở vùng đốt sống cổ, đau ở hai bả vai, đau âm ỉ và kéo dài. Cơn đau nửa đầu đi kèm thường là biểu hiện phụ sau nhiều triệu chứng khác của bệnh.
Theo lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội đông y Cầu Giấy (Hà Nội), bệnh đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột. Đây là nhóm bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai và gáy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau vai gáy, có thể là ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, nhất là làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem TV…
Đa số những người bị đau vai gáy là những người ít vận động, các cơ không được dẻo dai, dễ bị co cứng. Các biểu hiện của bệnh đau vai gáy thường là đau mỏi vùng cổ gáy khi ngủ dậy, khó quay cổ. Khi bị đau quá mức, các động tác đi lại nhẹ nhàng cũng ảnh hưởng và cũng gây đau. Thông thường thì bệnh tự khỏi, tuy nhiên nếu bị lặp đi lặp lại nhiều lần bạn không nên chủ quan vì có thể bị viêm khớp ổ bả vai, dính khớp. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn, gây đau và mất nhiều thời gian hơn.
Theo Đông y, với bệnh đau vai gáy, phương pháp châm cứu, bấm huyệt rất hữu hiệu. Tùy mức độ đau của bệnh nhân, thầy thuốc có thể chỉ cần áp dụng cách xoa bóp hay bấm huyệt, châm cứu, cho dùng thuốc hoặc kết hợp các cách này, đồng thời hướng dẫn bài tập để về nhà người bệnh tự tập.
Khi thấy các dấu hiệu đau vai gáy, đau cứng cổ… cần tìm tới cơ sở y tế có uy tín để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng lâu dài.
Để tránh mắc bệnh, bạn cần chú ý thay đổi về chế độ sinh hoạt và tư thế làm làm việc sau:
– Nên tạo thói quen dành thời gian đi lại, vận động, tránh ngồi quá lâu trước máy tính. Ngoài ra, cần rèn cho mình thói quen luyện tập thể dục đều đặn bằng các bài tập phù hợp với thể lực và tuổi tác.
– Cần giữ cho cổ luôn thẳng khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy…
– Khi ngủ cần phải dùng gối thích hợp (gối thấp và chắc), nên nằm ngủ với tư thế nghiêng (bên bệnh nằm kê trên gối).
– Chúng ta có thể xoa bóp nhẹ nhàng ở cổ và vai bằng dầu nóng sẽ cảm thấy dễ chịu.
– Đối với người bị đau cổ vai thì châm cứu, tập luyện và vật lý trị liệu tỏ ra có hiệu quả cao.
– Khi triệu chứng thuyên giảm việc luyện tập dưỡng sinh sẽ giúp chúng ta vận động khớp cổ một cách nhẹ nhàng để giảm đau và nhanh chóng phục hồi. Nhằm phòng ngừa chứng đau cổ vai, chúng ta có thể tập hai động tác dưỡng sinh: ưỡn cổ, vặn cột sống cổ ngược chiều.
– Trong các trường hợp bệnh cấp, đau nhiều thì ta không nên tập; chủ yếu là nghỉ ngơi, xoa vuốt nhẹ nhàng. Chỉ được tập khi đã giảm đau hoặc dùng để phòng ngừa.
Theo Giadinhnet