1. Không kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Nhiều người bị bệnh tim nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, nếu không đi khám định kì đầy đủ thì cũng rất khó để phát hiện bệnh. Tốt nhất là, ngay từ năm 20 tuổi, bạn nên chủ động hơn trong việc kiểm tra sức khỏe của mình. Bạn nên kiểm tra lượng cholesterol 5 năm/lần, kiểm tra huyết áp ít nhất 2 năm/lần...
2. Không biết lịch sử bệnh tật của gia đình
Để biết mình có nguy cơ cao với các bệnh nói chung và bệnh tim nói riêng, bạn nên biết những người thuộc thế hệ trước bạn (ông, cha, mẹ) bị những bệnh gì. Ngoài ra, nếu các anh chị em của bạn có bất kỳ dấu hiệu của bệnh tim, đặc biệt là ở tuổi trẻ, thì rủi ro bạn bị bệnh tim có thể cao hơn.
Biết lịch sử bệnh tật của gia đình sẽ giúp bạn lường trước những nguy cơ sức khỏe. Ảnh minh họa
3. Vệ sinh răng miệng kém
Về mặt y tế, bệnh răng miệng và sức khỏe tim mạch đi cùng với nhau. Trong thực tế, những người không chú ý đến chuyện vệ sinh răng miệng hoặc bị bệnh viêm lợi có thể bị bệnh tim cao hơn những người khác. Viêm mãn tính xảy ra trong lớp niêm mạc nướu răng sẽ làm tăng các vi khuẩn và nhanh chóng đưa chúng vào máu của bạn. Những người đánh răng thường xuyên có thể giảm nguy cơ bệnh tim.
4. Ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
Cơ thể bạn cần một số tiếp xúc ánh nắng mặt trời giúp bạn duy trì đủ lượng vitamin D - một vitamin thiết yếu được sản xuất trong làn da của bạn dưới ánh sáng mặt trời. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người có nồng độ vitamin D thấp sẽ có nhiều khả năng xuất hiện các mảng bám tích tụ trong mạch máu hơn so với những người khác. Vì vậy, tốt nhất mỗi ngày bạn nên dành 5-30 phút dưới ánh nắng mặt trời (không có kem chống nắng), lý tưởng nhất là vào buổi sáng và chiều để giúp cơ thể sản xuất đủ lượng vitamin D cần thiết.
5. Uống nhiều đồ uống có ga
Thức uống có ga hoặc nước tăng năng lượng là những nguồn cung cấp đường vào cơ thể và làm tăng chất béo trung tính trong máu. Từ đó, cholesterol được hình thành trong động mạch và từ đó góp phần làm tăng nguy cơ bị bệnh tim. Tốt nhất, để giảm cơn khát, bạn nên uống nước lọc hoặc nước chanh ít đường, nước mía...
6. Rối loạn giấc ngủ
Nếu bạn không ngủ đủ giấc, ngủ chập chờn... bạn có thể làm tổn hại đến trái tim của mình. Một giấc ngủ ngon hàng đêm sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tăng/giảm huyết áp và ổn định nhịp tim. Những người có thói quen ngủ tốt là ít có khả năng bị suy tim và đau tim. Nếu bạn thường xuyên không ngủ đủ 6-8 giờ/ngày, hãy gặp bác sĩ để nhận được những tư vấn và phương pháp điều trị thích hợp nhất.
7. Không có một chế độ ăn uống đầy màu sắc
Ngoài chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, trái cây và rau quả cũng rất giàu kali. Để kiểm soát huyết áp, điều quan trọng là bổ sung lượng kali nhưng đồng thời phải giảm lượng natri tiêu thụ.
Các loại trái cây họ cam quýt, chuối, khoai tây, cà chua và đậu... đều chứa rất nhiều kali. Những thực phẩm có màu trắng cũng có tác dụng tương tự. Những người ăn một lượng lớn các loại trái cây màu trắng và rau quả (như táo, lê, dưa chuột và súp lơ) có thể giảm 52% nguy cơ đột quỵ và bệnh tim
Chế độ ăn uống nên đầy đủ các loại rau củ để tốt cho tim. (Ảnh minh họa)
8. Không kết giao bạn bè
Nuôi dưỡng mối quan hệ với những người thân và bạn bè không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn, mà còn kéo dài tuổi thọ. Trong một nghiên cứu 13 năm gần đây của hơn 3.000 người, các nhà nghiên cứu ở Mỹ phát hiện ra rằng những người phụ nữ cô đơn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 76% so với những người không cô đơn.
9. Không nghỉ ngơi
Cố gắng làm quá nhiều thứ cùng một lúc là một trong những dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị căng thẳng, và từ đó dễ dàng đưa đến nguy cơ bị bệnh tim. Căng thẳng mãn tính có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp, có thể gây tổn hại các thành động mạch. Vì vậy, hãy dành thời gian cho mình để nghỉ ngơi, đây cũng là cách hay để bảo vệ sức khỏe của tim.