Mặc dù việc ăn đói đã bị các chuyên gia dinh dưỡng chỉ trích là không tốt cho sức khỏe, nhưng nghiên cứu mới đây của Trường đại học Nam California gợi ý rằng việc bỏ đói cơ thể sẽ khiến các tế bào gốc sản sinh ra những bạch cầu mới để chống lại nhiễm trùng.
Theo các nhà nghiên cứu thì phát hiện này đặc biệt có lợi cho những người đang bị tổn thương hệ miễn dịch, như bệnh nhân ung thư đang dùng hóa trị liệu, cũng như người già có hệ miễn dịch kém hiệu quả do tuổi tác, khiến họ khó chống đỡ với các bệnh thông thường.
Nhịn đói kéo dài sẽ buộc cơ thể phải sử dụng glucose và mỡ dự trữ nhưng cũng giáng hóa một tỷ lệ bạch cầu đáng kể.
Trong mỗi chu kỳ nhịn đói, bạch cầu bị mất đi sẽ tạo ra những thay đổi thúc đẩy sự tái tạo các tế bào miễn dịch mới từ tế bào gốc.
Trong thử nghiệm, những người tham gia được yêu cầu định kỳ nhịn đói từ 2 đến 4 ngày trong thời gian 6 tháng.
Theo các nhà khoa học nhịn ăn 3 ngày giúp tái tạo hệ miễn dịch
Các nhà khoa học thấy rằng nhịn đói kéo dài cũng làm giảm enzym PKA có liên quan với lão hóa và một hoóc môn làm tăng nguy cơ ung thư và u bướu.
“Chúng tôi không ngờ rằng việc nhịn đói kéo dài lại có tác động rõ rệt như vậy trong việc thúc đầy tái sinh hệ tạo máu bằng tế bào gốc”, GS Longo, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
“Khi bạn đói, cơ thể sẽ cố tiết kiệm năng lượng và một trong những việc nó có thể làm để tiết kiệm năng lượng là “tái chế” rất nhiều tế bào miễn dịch không cần thiết, nhất là những tế bào có thể đã bị tổn thương”.
Nhịn đói trong 72 giờ cũng bảo vệ bệnh nhân ung thư chống lại tác dụng gây độc của hóa trị liệu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia của Anh tỏ ra hoài nghi về nghiên cứu này. TS Graham Rook, giảng viên miễn dịch học Trường Đại học London, cho rằng nghiên cứu nghe có vẻ “phi thực tế”.
theo infonet.vn