Theo TS Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trước đây, bữa ăn hằng ngày của người dân Việt Nam khá đơn điệu, chỉ có cơm rau, ít thịt, cá, ăn để no thì nay đổi sang ăn nhiều thịt, cá.
Ăn quá mặn, quá no
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng và chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011 - 2020 được Bộ Y tế công bố ngày 4-4 cho thấy nếu không tính các chất lỏng, trung bình một người trưởng thành ăn 877,2 g thực phẩm/ngày, trong đó có 689 g thức ăn thực vật và 188 g là thức ăn động vật. Năm 1985, mỗi người chỉ ăn 11 g thịt/ngày thì nay đã tăng lên 84 g, cá tăng từ 35 g lên 60 g, cùng đó lượng dầu mỡ động vật “nạp” vào cơ thể cũng tăng từ 6 g/người/ngày lên 23 g/người/ngày.
Chiều cao của trẻ em Việt Nam đã được cải thiện trong mấy năm qua
Cũng theo ông Tuyên, lượng thịt tiêu thụ ở người thành thị và nông thôn có sự khác biệt rất lớn. Mỗi năm, nếu một người ở nông thôn tiêu thụ 27,5 kg thịt và 21,8 kg cá thì người thành thị ăn tới gần 40 kg thịt. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau là thức ăn rất tốt cho sức khỏe, cần thiết cho nhu cầu chuyển hóa, hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa thì lại có xu hướng giảm đi trong khẩu phần ăn của người dân.
“Theo khuyến cáo, mỗi người cần ăn 300 - 400 g rau/ngày thì trung bình người Việt Nam ăn chỉ có 165 g; cần ăn 100 - 200 g cá thì chúng ta chỉ ăn có 60 g. Nguy hại hơn, khuyến cáo chỉ nên dùng dưới 10 g muối/người/ngày thì người Việt lại ăn đến hơn 20 g muối” - ông Tuyên cho biết.
Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định người Việt đang có “một bữa no” quá mức và cách ăn uống thiếu khoa học đang phổ biến trong số đông người dân. Điều này cũng dễ hiểu bởi sau nhiều năm sống trong cảnh ăn uống kham khổ, thiếu thốn, không ít người có suy nghĩ phải ăn uống thoải mái để bù lại những ngày tháng khổ cực.
Thế nhưng, việc ăn nhiều dầu mỡ, thịt động vật là nguy cơ dẫn đến béo phì, bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Ngay cả trứng dù là một món bổ dưỡng nhưng lại có tỉ lệ cholesterol cao, nếu ăn nhiều cũng gây hậu quả xấu với sức khỏe.
Người Việt cao thêm 4 cm
Cũng theo điều tra này, trong vòng 10 năm qua, chiều cao và cân nặng trung bình của người Việt được cải thiện ở mọi lứa tuổi. Trong giai đoạn từ 2000-2010, với nhóm trẻ dưới 1 tuổi, chiều cao đã tăng thêm 1,4 cm (trẻ trai) và 1,8 cm (trẻ gái). Ở trẻ trai và gái tuổi lên 3, chiều cao trung bình tăng thêm 2 và 2,5 cm.
Với nhóm 5 tuổi, chiều cao tăng thêm ở trẻ trai và gái là 2,4 và 2,2 cm. Chiều cao người trưởng thành ở nam và nữ cũng đã có sự cải thiện, hiện đã đạt 164,4 cm và 153,4 cm. Như vậy, qua 35 năm, chiều cao của người Việt tăng 4,4 cm đối với nam và 3,4 cm đối với nữ. Tăng về chiều cao, cân nặng trung bình của người Việt ở nam và nữ cũng nhích lên, hiện là 54 và 46 kg. Trong hơn 20 năm qua, chỉ số này tăng thêm 3 kg ở nam giới và 1 kg ở nữ giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, các chỉ số chiều cao cân nặng tăng lên, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm xuống cho thấy chất lượng bữa ăn người Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, với gần 30% trẻ dưới 5 tuổi vẫn suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn là thách thức cho chất lượng giống nòi.
Cùng đó, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì gần như tương đương với suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, cũng là điều đáng báo động. “Suy dinh dưỡng hay béo phì đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể trạng của trẻ, nhưng với béo phì, hệ lụy về bệnh tật kéo theo rất nhiều về sau”- ông Tiến lo ngại.
Cũng theo kết quả điều tra, gần 6% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thừa cân và béo phì, tỉ lệ này đạt tới 12% - 15 % tại TPHCM, Hà Nội; cao hơn 6 lần so với kết quả điều tra năm 2000. Ở trẻ từ 5-7 tuổi, tỉ lệ này là 12% (bé gái) và 21% (bé trai). Tình trạng thừa cân béo phì cũng duy trì ở mức trên 10% đối với trẻ 8 - 13 tuổi.
Người lớn béo phì tăng nhanh
Ở người trưởng thành, tỉ lệ thừa cân béo phì cũng tăng nhanh, đặc biệt ở nhóm 50 - 60 tuổi. Tại các TP lớn, gần 18% người trưởng thành thừa cân béo phì, trong khi tỉ lệ này ở khu vực nông thôn là 6%. Đáng báo động là tình trạng này cũng tăng nhanh ở những bà mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi, từ 3% lên 8% so với 10 năm trước.
|