Ảnh minh họa: internet
Hải sản
Nên giảm ăn hải sản và thịt khi bị sưng đau khớp, Lona Sandon, trợ giảng bộ môn dinh dưỡng Trường Đại học Texas Southwestern Medical Center ở Dallas (Mỹ) khuyến cáo. Những thực phẩm này có hàm lượng purin cao và hợp chất này sẽ được cơ thể chuyển hóa thành axit uric. Tốt nhất, mỗi ngày chỉ ăn tối đa từ 100 - 150g hải sản và
thịt.
Bia
Uống bia thật sự là “thảm họa” với người mắc bệnh gút. Không chỉ bởi bia làm tăng lượng axit uric mà còn làm giảm việc đào thải chất độc này ra khỏi cơ thể. Rượu vang là sự lựa chọn tốt hơn, nhưng không nên uống quá nhiều, nhất là khi lên cơn gút cấp, lúc đó, cần phải kiêng cữ hoàn toàn các loại nước uống có cồn.
Thịt đỏ
Các loại thịt đều không chứa hàm lượng purin như nhau. Thịt trắng thường tốt hơn thịt đỏ, nhưng lâu lâu ăn thịt đỏ cũng không sao. Tuy nhiên, chỉ nên ăn thịt bò hoặc thịt heo nhiều nạc và hạn chế mỡ, nên tránh các loại thịt đỏ khác.
Gà tây
Thịt gà tây và thịt ngỗng có hàm lượng purin cao hơn hẳn các thực phẩm khác, vì vậy tốt nhất là kiêng ăn. Ngoài ra, cũng nên hạn chế ăn thịt rừng. Thịt gà và thịt vịt là sự lựa chọn an toàn, với điều kiện phải loại bỏ da và mỡ.
Nước ngọt
Tránh dùng nước uống có đường hóa học, kể cả những loại nước trái cây. Chất tạo ngọt thúc đẩy cơ thể sản sinh thêm nhiều axit uric. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, người sử dụng nhiều đường có nguy cơ cao mắc bệnh gút.
Măng tây
Măng tây, bông cải, cải bó xôi và nấm chứa purin cao hơn những loại rau củ khác, nhưng nếu bạn thích ăn những thực phẩm này, cũng không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn. Một chế độ ăn uống nhiều rau củ giúp thải purin ra khỏi cơ thể.
Nội tạng
Hãy nói không với nội tạng động vật như gan, thận và lá lách.
Ăn gì?
Xem ra người mắc bệnh gút không còn gì để ăn? Thực tế không hẳn vậy, có nhiều loại thực phẩm giúp chống lại bệnh gút, bao gồm thực phẩm từ sữa chứa ít béo, thực phẩm chứa carbohydrate, cà phê và trái cây tươi, đặc biệt là trái cây thuộc họ cam quýt. Ngoài ra, nên duy trì việc uống 12-16 ly nước mỗi ngày.