Nhiều trẻ em mù vì nhiễm giun đũa chó
Trường hợp của bệnh nhi Trần Văn Việt, 8 tuổi, ngụ tại quận 5, TP.HCM là một nạn nhân của ký sinh trùng từ thú cưng.
Cha mẹ Việt gần như “đứng tim” vì sợ bởi hai mắt con trai bỗng dưng không nhìn thấy gì. Hóa ra cậu bé bị hậu quả do nhiễm giun đũa chó từ con chó cảnh nuôi trong nhà.
Ảnh: Giun đũa chó trên tay người
Mắt Việt bị mờ dần rồi mới chuyển qua giai đoạn mù hẳn nhưng do còn nhỏ, chưa ý thức được về sức khỏe nên lúc không nhìn được nữa Việt mới nói với cha mẹ.
Trong suốt thời gian nghiên cứu về ký sinh trùng, Tiến sĩ – bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM từng gặp một số bệnh nhân là trẻ em bị mù mắt do giun đũa chó như thế.
“Trước đây có những báo cáo về ca bệnh trẻ em mù mắt do nhiễm giun đũa chó từ Bệnh viện Mắt TP.HCM. Các bệnh nhân là trẻ em ở độ tuổi từ 15 tuổi trở xuống, nhà có nuôi chó. Khi mắt mờ, do còn nhỏ, chưa có ý thức nên các em không than phiền, chỉ khi chẳng thấy đường nữa mới nói với cha mẹ. Lúc này mắt bệnh nhi đã mù hẳn”, bác sĩ Siêu nói.
Nguyên nhân gây mù mắt của những bệnh nhi nói trên do nang ấu trùng Toxocara canis - giun đũa chó, trứng hiện diện trong phân chó, dính trên lông. Khi được vuốt ve, trứng giun theo lông chó bám vào tay người, qua đường ăn uống xuyên qua thành ruột, vào máu và đi khắp cơ thể.
Loại giun đũa chó này có thể tạo kén ở não, ở gan và các cơ quan nội tạng. Đối với trẻ em khi nhiễm, giun đi vào sau võng mạc làm nạn nhân mù từ từ.
Sảy thai vì mèo cưng
Chị Hoàng Thị Hải, 32 tuổi, ngụ tại quận 4 là người phải hứng hậu quả vô cùng đau lòng từ ký sinh trùng của thú cưng.
Chị Hải rất thích mèo, nuôi một lúc 3 con mèo đủ các giống rất đẹp. Đối với chị, mèo không chỉ có nhiệm vụ đuổi chuột mà còn như người bạn thân.
Mèo nhà chị Thủy được phép leo cả lên giường, ghế sofa, nằm, ngồi chung với chủ. Mọi chuyện rất êm đềm cho tới khi chị Hải mang thai con đầu lòng.
Không chỉ vợ chồng chị mà cả hai bên nội ngoại rất vui mừng, háo hức chờ đón thành viên nhí. Nhưng khi cái thai vừa tròn 12 tuần đã bị sảy mất.
Chị Hải chưa hết đau lòng vì mất mát quá lớn lại thêm “sốc” vì nguyên nhân sảy thai của mình do mấy chú mèo cưng. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị nhiễm Toxoplasma gondii - một loại trùng bào tử sống ở ruột mèo.
Ký sinh trùng này không chỉ làm sảy thai ở phụ nữ có thai mà ở người suy giảm miễn dịch mắc phải, thường gặp là bệnh nhân HIV/AIDS, chúng còn có thể tạo nang, kén trong cơ quan nội tạng người, xâm nhập lên não làm nạn nhân tử vong vì viêm não, đây là tác nhân gây viêm não khá phổ biến trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải .
“Tại các bệnh viện phụ sản, phụ nữ trước khi có thai cũng được làm xét nghiệm tầm soát Toxoplasma gondii để tránh gây sảy và dị tật thai nhi”, bác sĩ Siêu cho biết.
Tuy nhiên, ở một số người khi nhiễm không có biểu hiện lâm sàng, chỉ khi cơ thể suy giảm miễn dịch, các mầm bệnh mới tăng sinh và xâm lấn các cơ quan khác.
Từ đó, bác sĩ Siêu cảnh báo người dân nên có chỗ riêng để nhốt thú cưng. Sau khi vuốt ve, nựng chó, mèo phải rửa tay sạch bằng xà phòng, tránh để trứng giun ký sinh từ con vật xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống.
Riêng với phụ nữ chuẩn bị có thai, đang có thai không nên nuôi chó mèo, trước khi có thai nên đi bệnh viện làm xét nghiệm tầm soát ký sinh trùng, nếu nhiễm phải chữa dứt mới được mang bầu.