Nằm mê man trên giường bệnh, xung quanh là những thiết bị y tế hiện đại nhưng mạng sống của bệnh nhân H.M.T. (30 tuổi, quê Thái Bình) rất mong manh. Người nhà bệnh nhân cho biết, thời gian gần đây anh T. thấy biểu hiện đau mỏi vai, gáy kèm theo sốt nên đến khám ở phòng khám tư nhân.
Tại đó, bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp bấm huyệt nhưng bệnh không đỡ. Nghe lời người quen, anh T. chuyển sang chữa tại phòng khám tư khác. Bác sĩ phòng khám này tiêm cho bệnh nhân thuốc điều trị đau vai, gáy. Tuy nhiên sau khi tiêm, bệnh nhân sốt cao, vết tiêm sưng phồng, đỏ tấy và nhiễm khuẩn nặng.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân H.M.T.
Bệnh nhân nhập Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tràn dịch màng phổi, sốc nhiễm khuẩn rất nặng. Bác sĩ Mai Cường, Khoa Hồi sức tích cực cho biết bệnh nhân phải thở máy và lọc máu liên tục nhưng xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm chỉ còn 33.000 đơn vị (người bình thường là trên 150.000 đơn vị).
Các bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch, nhiều thuốc kháng sinh cực mạnh nhưng cơ thể bệnh nhân đáp ứng với thuốc chậm, khó kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn.
Cũng giống anh T., chị L.M.H (33 tuổi, ở Nam Định) bị đau mỏi các vai, gáy, khớp xương cổ tay và ngón tay, chân. Khám tại bệnh viện lớn, chị H. được kê đơn thuốc uống trong vòng 1 tháng để chữa bệnh viêm đa khớp. Uống thuốc theo đơn được 10 ngày, chị H. bỏ thuốc, nghe lời mọi người truyền tai, chị vào tận Thanh Hóa để nhờ thầy lang ngoài 70 tuổi chữa bệnh.
Người nhà bệnh nhân cho biết, ông thầy lang tiêm nhiều mũi thuốc không rõ tên cho chị H. Ít lâu sau, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau từ vùng thượng vị xuống rốn. Bệnh nhân được cấp cứu tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng men gan tăng cao, vàng da.
Các biện pháp tối ưu được bác sĩ sử dụng nhưng tình trạng suy gan, thận của bệnh nhân tiến triển nặng và nhanh. Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực với những máy móc hiện đại và thuốc tối tân nhưng vẫn không qua khỏi.
Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận bệnh nhân N.T.H. (ở Việt Trì) nhập viện trong tình trạng mặt sưng phồng, biến dạng, hai mắt không mở ra được do sử dụng thuốc chữa nám tự chế của một bà thầy lang gần nhà.
Cùng điều trị với chị H. còn có bệnh nhân Tr.T.M. (Hải Phòng) bị phù nề mặt và nổi ban đỏ khắp người. Chị M. kể đã uống cao thanh nhiệt giải độc của thầy lang. Bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhân H. và M. bị nhiễm độc da do dùng thuốc Đông y có lẫn độc tố.
Cẩn trọng với lang băm
Nhiều loại thuốc Ðông y do những lang băm không có giấy phép hành nghề tự pha chế được bán một cách công khai và sử dụng khá rộng rãi khiến không ít người rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Thành phần và nguồn gốc của phần lớn các thuốc này đều không rõ, một số loại thuốc Đông y trá hình đã được phát hiện có chứa một hàm lượng rất cao các thuốc Tây y dẫn tới bệnh nhân bị nhiễm độc.
Bác sĩ Mai Cường cho biết có tình trạng thầy lang vừa bốc thuốc Đông y vừa cho bệnh nhân sử dụng thuốc paracetamol (giảm đau) liều cao trong nhiều ngày, dẫn đến hoại tử tế bào gan, nhiễm độc nặng và tử vong. Những người sau khi dùng thuốc paracetamol thấy các biểu hiện như buồn nôn, chán ăn, vã mồ hôi, khó chịu trong người cần nghĩ đến tình trạng bị ngộ độc để đưa đi cấp cứu kịp thời.
Theo PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong thuốc Đông y cũng chứa những độc tố như chì, thủy ngân rất hại cho sức khỏe người dùng. Năm ngoái có hàng trăm trường hợp trẻ bị ngộ độc chì trong thuốc cam phải nhập viện và để lại hậu quả xấu song dường như chưa đủ để nhiều người tỉnh ngộ.
Một số loại thuốc Đông y trá hình đã được phát hiện có chứa một hàm lượng rất cao các thuốc Tây y dẫn tới bệnh nhân bị nhiễm độc. Bác sĩ Mai Cường cho biết có tình trạng thầy lang vừa bốc thuốc Đông y vừa cho bệnh nhân sử dụng thuốc paracetamol liều cao trong nhiều ngày, dẫn đến hoại tử tế bào gan, nhiễm độc nặng và tử vong.