Vitamin C (acid ascorbic) có vị chua nên nhiều người lầm tưởng là có bệnh dạ dày thì không được dùng nó. Tuy nhiên, vitamin C là một sinh tố cần thiết cho sức khỏe và có tác dụng tốt bảo vệ thành mạch. Hơn nữa, vitamin C không chỉ là thuốc và không phải chỉ có trong những trái cây chua như chanh, cam... mà nó cũng còn có nhiều trong những trái cây ngọt như đu đủ, dưa hấu… và trong nhiều loại rau cải như bông cải trắng, bông cải xanh, ớt chuông, rau dền, măng tây, giá, hành tây... Do đó, người bị đau dạ dày vẫn cần ăn đủ các thức ăn trên để cơ thể tăng sức đề kháng và không bị thiếu sinh tố C.
Nhiều người đau dạ dày do viêm, loét thường được khuyên không nên ăn chua để tránh tăng acid dịch vị gây ra các cơn đau do kích thích các ổ viêm loét. (Ảnh minh họa)
Dùng vitamin C không những không hại đến dạ dày mà còn giúp giảm nguy cơ bị nhiễm vi trùng H.Pylori là nguyên nhân thường nhất gây viêm, loét dạ dày. Vitamin C có tác dụng bảo vệ dạ dày nếu tiêu thụ trong mức cho phép. Duy trì hàm lượng vitamin C bình thường trong dịch dạ dày có thể phát huy hiệu quả chức năng của dạ dày, bảo vệ bụng và tăng cường sức đề kháng cho dạ dày. Tốt nhất nên bổ sung vitamin C từ các loại rau củ quả.
Tất nhiên, việc dùng vitamin C đối với bệnh dạ dày nói riêng hoặc các bệnh khác nói chung đều phải tuân thủ về liều lượng và thời gian sử dụng để tăng tác dụng điều trị. Việc dùng liều cao và kéo dài thuốc này có thể gây viêm, loét dạ dày vì bản chất acid của nó. Vì vậy, khi dùng thuốc cần phải dùng đúng cách và đúng lúc theo lời khuyên của thầy thuốc.