Đu đủ là loại quả có nhiều giá trị dinh dưỡng, rất được phụ nữ ưa dùng kể cả khi còn xanh hay đã chín vì nó vừa tốt cho sức khỏe lại có thể chế biến thành nhiều món ngon, bổ, rẻ. Nhưng rất có thể, nhiều người chưa biết về tác dụng giúp tránh thai của đu đủ xanh, cũng như những nguy hiểm mà nó có thể mang lại cho bà bầu.
Giúp phụ nữ Ấn Độ tránh thai
Phụ nữ Ấn Độ chọn phương pháp ăn đu đủ xanh như một biện pháp tránh thai tự nhiên đơn giản và hữu hiệu nhất từ rất nhiều năm nay. Phụ nữ ở Sri Lanka, Pakistan vẫn dùng đu đủ như là một phương cách tránh thai truyền thống. Họ ăn đu đủ xanh hằng ngày trong thời gian không muốn có bầu và ngừng ăn khi có ý định sinh con. Trên thực tế, cách tránh thai này tỏ ra khá hiệu quả trước khi có các biện pháp phòng tránh và thuốc tránh thai như ngày nay.
Năm 1993, các nhà khoa học thuộc Viện đại học Sussex (Anh) đã tìm thấy chất papain (có nhiều trong nhựa đu đủ xanh) có khả năng ngăn cản quá trình thụ thai ở phụ nữ. Họ đưa ra hai giả thuyết để lý giải về điều này như sau:
- Thứ nhất, chất papain có trong đu đủ xanh có tác dụng ức chế hormone progesterone và làm ngăn cản quá trình thụ thai.
- Thứ hai là chính tác dụng làm mềm thịt của chất papain này đã phá huỷ màng tế bào của phôi thai.
Đu đủ xanh được coi là thuốc tránh thai tự nhiên của người dân Ấn Độ
Đàn ông Ấn Độ dùng hạt đu đủ để tránh thai
Các khoa học gia ở New Dehli (Ấn Độ) đã cho thấy, hạt đu đủ có khả năng giúp nam giới tránh thai hiệu quả bằng cách lấy hạt đu đủ với một lượng nước vừa phải rồi sắc kỹ lấy nước uống hằng ngày. Để chứng minh, họ đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm trên chuột và thỏ đực để xem tác động của hạt đu đủ lên chúng trong độ tuổi sinh sản. Kết quả thu được là chất chloroform có trong hạt đu đủ có tác dụng ức chế sự di chuyển của tinh trùng trên chuột và giảm sinh tinh trùng trên thỏ, nó không hề có độc tính, chỉ cần ngừng sử dụng là chức năng sinh sản có thể phục hồi lại như bình thường.
Nghiên cứu gần đây nhất được tiến hành trên loài khỉ langur cho kết quả rõ ràng hơn, hạt đu đủ có khả năng làm giảm sinh tinh trùng sau khi sử dụng 30-60 ngày mà không hề có tác dụng độc tính. Chức năng sinh tinh trùng sẽ được phục hồi hoàn toàn sau khi ngừng dùng thuốc 150 ngày.
Về cơ chế hoạt động của các chất chiết xuất từ hạt đu đủ này vẫn còn chưa nhất quán. Các nghiên cứu trên thỏ và chuột cho thấy việc giảm khả năng sinh sản có thể do sự tương tác của các hoạt chất lên nguồn estrogen, androgen và antiandrogen.
Tuy nhiên trong nghiên cứu trên loài khỉ langur cho thấy số lượng tế bào tinh trùng bất thường và tinh trùng bất động tăng lên ngay trong giai đoạn đầu điều trị. Điều này cho thấy, có thể các chất trong hạt đu đủ có thể tác động vào môi trường bên trong của thừng tinh hoặc vào trong giai đoạn tế bào mầm (germ cell) của tinh trùng trong tinh hoàn.
Kết quả nghiên cứu này rất quan trọng vì nó hứa hẹn một loại thuốc tránh thai tạm thời mới cho nam giới có thể sớm ra đời. Trên thực tế, các khoa học gia ở New Dehli (Ấn Độ) đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm thuốc trên những người tình nguyện.
Nó có tác dụng cho cả phụ nữ và đàn ông
Bà bầu nên "cạch mặt"
Đã có khá nhiều các nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ về các vấn đề liên quan đến sinh sản và đu đủ thường được nhắc đến trong các nghiên cứu này. Theo các nhà nghiên cứu khoa học Ấn Độ, họ đã phỏng vấn trên 1106 phụ nữ có thai và cho con bú ở 44 làng tại hai huyện Mahabubnagar và Andhra Pradesh (Ấn Độ) về việc nên hay không nên ăn đu đủ trong quá trình mang thai. Kết quả là: 72% cho biết họ tin rằng đu đủ là thức ăn có hại cho thai nghén và những người đang mang bầu tuyệt đối tránh xa đu đủ xanh, thậm chí cả đu đủ chín.
Một nghiên cứu khác trên chuột đang mang thai của các nhà khoa học Ấn độ cũng cho thấy đu đủ xanh có tác dụng ngăn cản chu kỳ động dục và gây sảy thai. Mức độ sảy thai giảm xuống khi cho chuột ăn loại trái đu đủ chín.
Bà bầu tuyệt đối tránh xa đu đủ xanh
Những tháng cuối của thai kỳ tuyệt đối tránh
Các nhà khoa học Ấn Độ cũng tiến hành nghiên cứu bằng cách cho chuột sử dụng một chất chiết xuất từ nhựa đu đủ ở các chu kỳ động dục và thai nghén khác nhau. Kết quả cho thấy, chất này gây co thắt tử cung mạnh, nhất là ở các giai đoạn sau của thai kỳ.
Họ nhận thấy rằng, những con chột đang mang thai uống nước có nhựa đu đủ chín không có biểu hiện gì khác biệt. Ngược lại, ở những con dùng nước có nhựa đu đủ xanh, xuất hiện hiện tượng co thắt cơ tử cung. Thậm chí các cơn co thắt ở chuột tương đương như sử dụng oxytocin - loại thuốc gây co thắt tử cung, dùng để thúc đẻ. Các nhà nghiên cứu kết luận, việc tiêu thụ đu đủ chín ở mức độ bình thường không gây hại đối với chuột có thai; nhưng đu đủ xanh hoặc gần chín (loại còn chứa nhiều nhựa) có thể không an toàn cho thai nghén, gây sảy thai hoặc đẻ non nếu đang ở những tháng cuối của thai kỳ.